Cảnh báo lừa đảo người lao động tìm việc làm ở nước ngoài
Ngày 5/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn xảy ra tình trạng thông tin tuyển dụng không đúng, gây hiểu nhầm cho người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Các đối tượng lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động, nhất là lao động trẻ, sinh viên mới ra trường đã đưa ra nhiều thông tin tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, việc nhẹ lương cao để thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đồng thời, sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng hoặc thông tin các nội dung gây hiểu nhầm khi ra nước ngoài làm việc thông qua hình thức du lịch, đầu tư, du học… gây thiệt hại không nhỏ về đời sống vật chất, tinh thần cho người tìm việc.
Để khắc phục tình trạng này, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho người lao động trên địa bàn đang có nhu cầu tìm việc làm. Đồng thời, rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn không có trong danh sách được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; nêu cao tinh thần cảnh giác với các hành vi lừa đảo, môi giới việc làm của các cá nhân, tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh thông tin, khuyến cáo đến học sinh, sinh viên cảnh giác trước những quảng cáo, lời mời chào việc nhẹ lương cao, đặc biệt các công việc ở nước ngoài thông qua hình thức du học, du lịch, đầu tư hoặc công việc trực tuyến (online). Cảnh giác trước các thông tin đăng tải trên mạng xã hội; tìm hiểu kỹ thông tin về nhu cầu tuyển dụng và cảnh giác đối với các yêu cầu nộp tiền phục vụ cho việc tuyển dụng như mua đồng phục, phí giữ chỗ…
Riêng các trường hợp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động tìm việc cần liên hệ các cơ quan chức năng tại địa phương, tổ chức, doanh nghiệp uy tín có chức năng đưa người lao động làm việc ở nước ngoài để được tư vấn hoặc truy cập trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (https://www.dolab.molisa.gov.vn) để kiểm tra thông tin trước khi ký kết hợp đồng. Người lao động tìm việc cần theo dõi danh sách các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố (https://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn/).
Bà Huỳnh Lê Như Trang cũng khuyến nghị người lao động nắm bắt, hiểu rõ các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trường hợp, phát hiện thông tin các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, đưa người lao động đi nước ngoài làm việc có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, người dân cần thông báo ngay cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để quản lý, ngăn chặn các doanh nghiệp không có giấy phép lừa đảo, môi giới việc làm không đúng quy định và xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn Thành phố hiện có 58 doanh nghiệp và 8 chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời có 141 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được cấp phép, 3 chi nhánh và 11 trung tâm dịch vụ việc làm công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; tập trung nhiều ở các Quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức…
Tính từ năm 2013 đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa hơn 81.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động có hộ khẩu thành phố hơn 13.400 người. Các doanh nghiệp tập trung đưa người lao động đi làm việc nhiều nhất tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cùng một số thị trường khác đang phát triển là Malaysia, Philippines…