Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đề xuất giữ nguyên tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng là 60 tuổi

Về đề xuất tăng tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi của một số đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho rằng, do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội nên mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo luật đề xuất là 60 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

Ngày 5-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này. Một số ý kiến còn đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội.

Theo dự thảo luật, quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm theo hướng cấp úy là 50 tuổi, thiếu tá là 52 tuổi, trung tá là 54 tuổi, thượng tá là 56 tuổi, đại tá là 58 tuổi, cấp tướng là 60 tuổi.

 ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: VIẾT CHUNG

Về quy định này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với việc xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ còn nhằm thu hút nhân tài vào quân đội.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của sĩ quan được đào tạo cơ bản, điều này góp phần không lãng phí nguồn nhân lực.

 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) băn khoăn với quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ với cấp tướng chỉ là 60 tuổi. Theo ĐB, có thể tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi để bảo đảm tính thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, góp phần trọng dụng nhân tài và tương quan giữa 2 lực lượng quân đội và công an.

 ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cùng quan điểm, số lượng cấp đại tá và cấp tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số. Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sĩ quan này trong thời bình.

Giải trình một số ý kiến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá các ý kiến đóng góp chí tình, chí nghĩa và khẳng định tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, quan điểm là “nuôi quân 3 năm sử dụng 1 giờ”. Cho nên, trong thời bình vẫn phải rèn quân để đến khi có tình huống xử lý được. Trong khi đó, cường độ công việc, nhiệm vụ ngày càng cao, do đó đòi hỏi sĩ quan phải nỗ lực, rèn luyện nhiều hơn, nhất là về chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng.

Về đề xuất tăng tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội nên mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo luật đề xuất là 60 tuổi.

ĐB Lữ Văn Hùng (Bạc Liêu) thì đề nghị nghiên cứu quy định Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phải là thiếu tướng để tương xứng với một số tỉnh có Giám đốc Công an tỉnh mang cấp hàm thiếu tướng.

"Giám đốc công an là thiếu tướng thì Chỉ huy trưởng quân sự cũng phải là thiếu tướng, tại sao bên công an là thiếu tướng mà bên quân đội là đại tá?", ĐB Lữ Văn Hùng đặt vấn đề và đề nghị xem xét nghiên cứu để làm sao cho tương xứng với nhau.

Trước ý kiến đề nghị trần quân hàm Giám đốc công an cấp tỉnh là thiếu tướng thì quân đội cũng tương đương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, việc này là khó quy định.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải thích, Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ có 1 thiếu tướng, trong khi quân đội có 4 vị trí tương đương chức nhau là Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng.

Do đó, nếu quy định chọn 1 vị trí lên cấp thiếu tướng thì khó và không cân bằng được. “Do đó chúng tôi xin thôi, vẫn giữ cấp đại tá”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-truong-bo-quoc-phong-de-xuat-giu-nguyen-tuoi-huu-cua-si-quan-cap-tuong-la-60-tuoi-post766892.html