Thời bình cũng phải rèn quân, cường độ phải ngày càng cao

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: media.quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: media.quochoi.vn

Thống nhất sự cần thiết ban hành luật

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, dự thảo luật đã được thảo luận tại tổ ngày 28-10, với 75 lượt ý kiến tham gia. Đa số đại biểu nhất trí cần thiết ban hành luật và nội dung của dự thảo luật.

Bộ Quốc phòng đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng báo cáo một số vấn đề tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có báo cáo thẩm tra, theo đó dự thảo luật thể chế đầy đủ quan điểm của Đảng, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập cũng như bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo đã bổ sung cấp phó trong hệ thống chức danh cơ bản của sĩ quan; tăng tuổi phục vụ của sĩ quan, quy định về việc kéo dài độ tuổi tại ngũ đối với một số trường hợp cụ thể.

Dự thảo cũng bổ sung quy định chính sách bảo đảm nhà ở cho lực lượng vũ trang và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về lĩnh vực này…

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: media.quochoi.vn

Tại hội trường, nội dung bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho quân đội được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc điều chỉnh thống nhất với Bộ Quốc phòng về quỹ đất, bàn giao quỹ đất về địa phương xây dựng nhà ở là phù hợp, không trái với các quy định hiện nay.

“Lương cơ bản của cán bộ, quân nhân cao hơn đối tượng khác, nhưng nếu nói có thể làm hay mua được nhà thì chưa chắc. Do vậy, nếu không có chính sách về nhà ở không thu hút được người vào quân đội…”, đại biểu Hoàng nói.

Một số đại biểu cũng tán đồng việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phần đông sĩ quan quân đội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), còn nhiều đối tượng không có nhà ở và sĩ quan quân đội nằm trong đối tượng được xét nhà ở xã hội. Cần tách bạch nhà ở xã hội cho sĩ quan quân đội và nhà ở công vụ cho sĩ quan quân đội. Nhà ở công vụ là của quân đội, còn nhà ở xã hội thuộc quỹ đất của địa phương và không phải địa phương nào cũng có.

“Nên dùng quỹ đất của quân đội bố trí nhà ở xã hội cho quân đội. Còn nếu quỹ đất của địa phương mà bố trí cho riêng cho lực lượng quân đội là không phù hợp, vì còn các đối tượng khác cần nhà ở xã hội”, đại biểu Hòa phân tích.

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn Sóc Trăng) cũng cho rằng việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho quân đội cần được đánh giá kỹ tác động về nguồn lực và các luật về nhà ở, đất đai hiện hành.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: media.quochoi.vn

Đồng tình với đại biểu Hòa, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) phân tích, không chỉ có nhiều sĩ quan mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức cũng có hoàn cảnh tương tự. Hiện đã có ưu tiên về nhà công vụ đối với sĩ quan. Còn riêng vấn đề nhà ở xã hội, phải thực hiện theo Luật Nhà ở.

“Không thể địa phương nào cũng có đất giao lại cho quân đội để làm nhà ở xã hội riêng cho lực lượng sĩ quan ở địa phương đó. Nếu địa phương xây dựng nhà ở xã hội, nên chăng có chính sách ưu tiên cho sĩ quan trong trường hợp khó khăn về nhà ở”, đại biểu Lịch nêu.

Giữ tuổi tại ngũ với cấp tướng là 60

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu giải trình, tiếp thu. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu giải trình, tiếp thu. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thông tin, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu nêu.

Trong thời bình, quân đội có những lực lượng lao động đặc biệt, có thể nâng tuổi lên để đáp ứng yêu cầu. Luật quy định chung cho tất cả sĩ quan, trường hợp cụ thể sẽ quy định bằng nghị định, thông tư.

"Quan điểm của chúng tôi là thời bình cũng phải rèn quân để đến khi có tình huống phải xử lý được ngay; cường độ phải ngày càng cao, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhất là về chuyên môn, kỹ thuật", Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu.

Về tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ lên 62 với sĩ quan cấp tướng, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, từ kinh nghiệm được nghiên cứu trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng giữ ở mức 60 tuổi như dự thảo.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thoi-binh-cung-phai-ren-quan-cuong-do-phai-ngay-cang-cao-683541.html