Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Phiên họp thảo luận về các nội dung: Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025 - 2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Đối với nội dung thứ 2 của phiên thảo luận hội trường, các đại biểu Quốc hội góp ý nhiều nội dung đối với Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, trong đó, tập trung góp ý đối với quy định nâng tuổi phục vụ của sĩ quan, chế độ, chính sách đối với sĩ quan, điều kiện nghỉ hưu, thăng quân hàm và nâng lương trước thời hạn, bổ sung chính sách với sĩ quan sau khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái… Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ QĐND.
Góp ý kiến đối với quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo luật(sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 - Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan), đại biểu cho rằng dự thảo luật đã nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam các mức khác nhau (cấp úy50, thiếu tá52, trung tá54, thượng tá56, đại tá58, cấp tướng 60), điều này cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cũng quy định thời gian đóng BHXH đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% tại Điều 66.
Luật Công an nhân dân 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2023) nâng mức hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của “Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi”,đối chiếu với Dự thảo Luật Sĩ quan thì quy định tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp úy, thiếu tá vẫn thấp hơn quy định trên mặc dù cùng cấp bậc quân hàm. Sĩ quan QĐND Việt Nam với vai trò là “lực lượng nòng cốt của quân đội và là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ”, là lực lượng được đào tạo chuyên sâu, do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu có thể nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐND phù hợp với Luật Công an nhân dân, đồng thời thống nhất với tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động 2019.
Về điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan theo quy định tại khoản 8 Điều 1 dự thảo luậtđã bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 36 Luật Sĩ quan năm 1999: “Hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13 luật này nếu đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu”. Đại biểu cho rằng, qua đối chiếu với Luật BHXH năm 2024, nội dung về thời gian tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu là “có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu”, Luật BHXH năm 2024 đã giảm thời gian đủ điều kiện hưởng lương hưu là đóng BHXH bắt buộc từ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu. Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát và làm rõ cơ sở của việc quy định thời gian “đóng BHXH đủ 20 năm trở lên”tại khoản 8 Điều 1 dự thảo luật để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cân nhắc quy định trên vì khoản 1 Điều 36 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 quy định sĩ quan được nghỉ hưu khi “đủ điều kiện theo quy định BHXH của Nhà nước”, bởi vì, Luật BHXH 2024 đã quy định các trường hợp nghỉ hưu và chế độ hưu trí.
Theo Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.