Cập nhật 14h ngày 7/4: 16% người mắc Covid-19 ở Hong Kong không có triệu chứng, WHO lo ngại thế giới thiếu 6 triệu y tá
Tính đến 14h ngày 7/4, thế giới ghi nhận 1.349.584 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với 74.806 ca tử vong và 286.655 ca bình phục.
WHO lo ngại thế giới thiếu gần 6 triệu y tá. (Ảnh minh họa. Nguồn: ABC News)
Theo số liệu của Trung tâm bảo vệ sức khỏe (CHP) của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), tính đến ngày 6/4, trong số 915 trường hợp nhiễm Covid-19 ở đặc khu này có 150 trường hợp không có triệu chứng bệnh, chiếm 16%.
Tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, Hong Kong đã có thêm 200 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 47 trường hợp không có triệu chứng, bao gồm 1 trường hợp là du học sinh ở Anh trở về Hong Kong, sau khi đã hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày, đến ngày thứ 19 mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù người mắc Covid-19 không có các triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng lượng virus trong những người này vẫn rất cao, rủi ro lây lan trong cộng đồng rất mạnh. Do đó, những người đã hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày vẫn cần tự theo dõi sức khỏe thêm 7-14 ngày, còn những người ở các trung tâm cách ly tập trung trước khi đó phải được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, đồng thời giảm bớt tiếp xúc xã hội, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
* Ngày 7/4, Thái Lan công bố thêm 38 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 2.258 bệnh nhân và tổng số ca tử vong lên 27 người.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trong một ngày ở Thái Lan giảm xuống 2 con số. Cho đến nay, 824 bệnh nhân Covid-19 ở Thái Lan đã được xác nhận bình phục.
Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Thái Lan đang mời các bệnh nhân khỏi bệnh hiến huyết tương để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Những người mong muốn hiến huyết tương phải là những bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh, đã được xuất viện, cách ly ở nhà trong 14 ngày và có sức khỏe tốt.
* Theo một quan chức Chính phủ Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 7/4 đã thông qua việc gia hạn tình trạng phong tỏa và những biện pháp cách ly tại gia đối với hơn một nửa dân số tới ngày 30/4 trong nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan đại dịch Covid-19.
Các chính sách hạn chế di chuyển và tụ tập đã được áp đặt ở trong và quanh thủ đô Manila kể từ gần một tháng trước sau khi phát hiện ca lây nhiễm nội địa đầu tiên.
Tính đến 14h ngày 7/4, Philippines đã ghi nhận 3.660 ca nhiễm Covid-19 với 163 ca tử vong.
* Trong ngày 6/4, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo ghi nhận thêm 241 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 2.076 người, với 11 ca tử vong.
* Bộ Y tế Qatar thông báo có 279 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 lên 1.604 người.
* Jordan hiện ghi nhận 6 ca tử vong và 394 ca nhiễm SARS-CoV-2. Bộ Thông tin truyền thông Jordan cho biết, trong ngày 6/4 đã có 1.036 người vi phạm lệnh giới nghiêm. Theo bộ trên, nhiều khả năng Jordan sẽ công bố lệnh giới nghiêm hoàn toàn trong ít ngày tới, thể hiện sự quyết liệt của chính phủ trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.
* Tại Iraq, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 1.031 ca và số ca tử vong là 64 ca. Trong 24 giờ qua ghi nhận 70 ca nhiễm mới. Trước diễn biến dịch bệnh xấu đi, Iraq đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm đến hết ngày 19/4.
* Từ ngày 6/4, Chính phủ Kuwait quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm mới từ 17h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau, kéo dài thời gian giới nghiêm thêm 2 giờ so với trước đây.
Chỉ riêng ngày 6/4, Kuwait ghi nhận thêm 109 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 665.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang cần gần 6 triệu y tá, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trong báo cáo công bố ngày 7/4, WHO cùng các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 28 triệu y tá, sau khi bổ sung 4,7 triệu y tá trong 5 năm tính đến năm 2018. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang thiếu 5,9 triệu y tá, đặc biệt ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Bà Mary Watkins thuộc Nursing Now, đồng tác giả báo cáo trên, cho rằng, nhiều nước giàu không đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước, phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu hụt y tá ở các nước nghèo trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Watkins nêu rõ 80% số y tá trên toàn cầu chỉ phục vụ cho 50% dân số thế giới.
Đề cập tình hình dịch bệnh Covid-19, bà kêu gọi khẩn trương thực hiện việc xét nghiệm cho các nhân viên y tế vì có một số lượng lớn nhân viên y tế không đi làm do lo sợ họ đã bị mắc bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác, dẫn tới tình trạng càng thiếu hụt đội ngũ y tá, điều dưỡng.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, người đứng đầu ICN Howard Catton cảnh báo, tỷ lệ bệnh nhân tử vong tại những nước thiếu y tá đều cao hơn so với những nước khác.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus coi đội ngũ y tá là "xương sống" của hệ thống y tế. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Ghebreyesus cho biết, các y tá đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và họ cần nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.