Câu chuyện âm nhạc: 'Vó ngựa trên đồi cỏ non'
Trong một cuộc trò chuyện gần đây, tôi được nghe nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ câu chuyện về ca khúc 'Vó ngựa trên đồi cỏ non'.
Nhạc sĩ Giao Tiên nhớ lại, thời điểm sáng tác ca khúc này là năm 1974. Khi ấy, miền Nam vẫn chưa được giải phóng và ông luôn ao ước người dân Việt Nam sẽ sớm có một cuộc sống hòa bình, an lành, hạnh phúc.
Chính vì thế, ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non” đã khắc họa khung cảnh thơ mộng, thanh bình và rất Việt Nam: “Bóng tà ngả trên lưng đồi cỏ non/ Gió hiền thoảng vi vu hàng lau xanh/ Ngoài kia là đồng thơm hương lúa mới, bên lũy tre xanh ngả nghiêng hàng dừa/ Và đây là dòng sông ta thương mến/ Soi bóng chung đôi như ngày ấu thơ”.
Ông ước mình là vó ngựa trên thảo nguyên xanh, hẹn hò cùng người thương, xóa bỏ hận thù, lánh xa vùng trời đau thương kia, rồi hòa mình vào con đường quê hương rợp mát bóng trăng thanh, về với mẹ, với em, cùng người thương hàn gắn vết thương chiến tranh và trở về với cuộc sống thanh bình.
Những khát khao ấy đã hòa vào câu hát: “Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối/ Anh sẽ đưa em, đưa em đi về, về lối trăng hiền/ Còn ai đợi chờ nữa không em?/ Còn ai dặn dò nữa không em?/ Thôi hãy theo anh, men lối ăn năn, ta thoát cơn mê cùng dắt nhau về”.
Nhạc sĩ Giao Tiên (sinh năm 1941), nguyên quán Bình Định, nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, thường được gọi là “Nhạc sĩ của đồng quê”. Ông sở hữu gia tài âm nhạc đồ sộ với con số lên tới cả nghìn ca khúc, trong đó có nhiều nhạc phẩm được coi là “ca khúc quốc dân” như “Cô Thắm về làng”, “Con gái của mẹ”, “Quán gấm đầu làng”, “Bằng lòng đi em”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”...
Ngoài cái tên Giao Tiên, người mộ điệu còn biết ông qua các bút danh khác như Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang... Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, hiện đang sinh sống và sáng tác tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cau-chuyen-am-nhac-vo-ngua-tren-doi-co-non-649898.html