Câu chuyện của những vũ công nhỏ và ước mơ bay trên đôi cánh thiên nga
Những đứa trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng trong tình yêu của những điệu nhảy cũng sẽ nhanh chóng trở thành những vũ công ballet, được biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu, được sống trọn với niềm đam mê của cuộc đời mình. Thế nhưng, đằng sau những phút giây tỏa sáng trên sâu khấu là cả một câu chuyện mồ hôi và nước mắt của những vũ công ballet nhỏ tuổi.
Tuổi thơ và mơ ước “đôi cánh thiên nga”
Để trở thành một vũ công ballet được đào tạo bài bản, những kỹ năng bẩm sinh này đòi hỏi phải được đào tạo cụ thể và nỗ lực hàng ngày cùng với sự kiên nhẫn.
Trong một lớp học múa với tiếng piano du dương, những bé gái mới 5-6 tuổi được bố mẹ cho đi học múa với mong ước con trở thành vũ công ballet. Những động tác đơn giản ấy là bài học đầu tiên trên con đường đầy chông gai để trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp.
Cô Trang hiện là giáo viên dạy múa ballet cho các bạn nhỏ 4 - 7 tuổi. Với tình yêu dành cho trẻ nhỏ và niềm đam mê với bộ môn múa, cô đã có nhiều năm kinh nghiệm rèn luyện cho rất nhiều bạn nhỏ trở thành vũ công ballet.
Cô chia sẻ rằng, hiện nay các em nhỏ đang có xu hướng làm quen với múa ballet từ bé, được rèn luyện từ bé là một nền tảng tốt. Đối với các bạn nhỏ yêu thích múa và có định hướng muốn trở thành một vũ công ballet trong tương lại thì việc được học múa từ bé là bước đệm, nền tảng căn bản vô cùng cần thiết giúp các con thuận lợi hơn nếu chọn ballet là nghề nghiệp mà các con theo đuổi sau này.
“Nghệ thuật múa nói chung và bộ môn múa ballet nói riêng góp phần phát triển tư duy sáng tạo, thể chất và nâng cao năng lực thẩm mỹ cho trẻ, giúp các con phát triển hình thể cân đối, có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai”, cô Trang chia sẻ thêm.
Phải mất ít nhất 10 năm luyện tập chăm chỉ cùng với sự hướng dẫn để trở thành một vũ công ballet và có thể đứng biểu diễn một mình trên sân khấu.
Ở độ tuổi 4 - 7 tuổi, một học sinh ballet thường sẽ phải học múa hai buổi một tuần và bao gồm một số động tác kéo giãn ở nhà. Từ 9 tuổi, số buổi tập của các em tăng dần lên ba lần một tuần. Từ 10 – 11 tuổi, số này sẽ tăng lên 4 lần một tuần và đến 12 – 13 tuổi, một học sinh nên học múa ballet sẽ tập 5 lần một tuần, kéo dài trong ít nhất 1 tiếng rưỡi mỗi ngày.
Với thời gian luyện tập khắt khe như vậy đòi hỏi phụ huynh và các em cân bằng với thời gian học văn hóa. Bởi việc luyện tập ballet này nếu không luyện tập với cường độ đã định sẵn thì cơ thể sẽ không còn giữ được độ dẻo và không thể thực hiện được các động tác ballet khó của một vũ công chuyên nghiệp.
Không chỉ vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là bắt buộc đối với tất cả các vũ công. Những trẻ khác có thể ăn uống những gì mà chúng muốn nhưng những trẻ học múa ballet không được ăn quá nhiều trong một bữa, hạn chế tinh bột và dầu mỡ để giữ được dáng người. Dáng người thon thả cho các bé bàn chân cong, đầu gối thẳng, hông xoay tròn, cánh tay và chân thon gọn, một cái cổ dài, và một cảm giác rõ ràng về nhịp điệu và âm nhạc, bụng phẳn để dễ dàng trong viện ép dẻo. Trong ballet, vóc dáng là một lợi thế và có thể quyết định tương lai của một vũ công.
Ngay từ khi bắt đầu học, các vũ công nhỏ đã học cách che giấu nỗi đau trên cơ thể, đồng thời phải truyền tải cảm giác bình an và hạnh phúc qua những vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển của mình. Những điều này cho thấy một tinh thần mạnh mẽ và niềm đam mê bất tận với ba lê của các vũ công nhí như thế nào.
Bởi vì các vũ công luôn phải sử dụng đôi giày mũi cứng, tư thế bàn chân luôn trong tình trạng đứng bằng mũi chân. Khi đó, trọng lượng cơ thể đè nặng vào phần đầu các ngón chân đã khiến bàn chân chịu đau đớn.
Các vũ công ballet phải bắt đầu tập luyện từ khi còn nhỏ với một nỗ lực và đam mê rất lớn. Từ những cô bé trong sáng ngây thơ cố gắng vút lên thành chú thiên nga trắng trên mỗi sân khấu.
Thiên An, cô bé được tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật múa ballet từ khi mới chỉ 4 tuổi. Với tài năng và niềm đam mê với bộ môn này, An đã giành được rất nhiều giải thưởng lớn như: Giải Nhất Cuộc thi “Tài năng múa Thiếu niên Nhi đồng” lần thứ 2 năm 2017 do Hội Nghệ sĩ múa tổ chức; Giải Xuất sắc Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng quận Cầu Giấy” năm 2018; Giải Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore diễn ra năm 2018...
Đam mê nhảy múa đến với Thiên An một cách rất tự nhiên. Năm em 4 tuổi, mẹ cho em học múa bởi vì thân hình của em hơi mũm mĩm. Cho đến khi em lên 7, em bắt đầu có ước mơ trở thành một vũ công ballet đương đại. Bố mẹ muốn em học văn hóa cho nhẹ nhàng, còn tập múa chỉ để rèn luyện sức khỏe. Nhưng đam mê nhảy múa của An ngày càng lớn lên và cô bé mong muốn sẽ theo con đường này theo hướng chuyên nghiệp.
Cũng vì vậy mà chế độ ăn uống, sinh hoạt của An có phần khác với các bạn đồng trang lứa. Có những lần trong lúc tập, em không tập trung sẽ gặp phải những chấn thương như sưng ổi, trẹo chân…
Phía sau ánh đèn sân khấu thì con vẫn là “thiên nga bé nhỏ” của mẹ
Phía sau những phút giấy hào nhoáng trên sân khấu, bên trong đôi giày múa bạc màu vẫn là những đứa trẻ dễ thương, nhỏ bé. Khi các con bước lên sân khấu diễn, bên trong cánh gà là sự túc trực của cha mẹ.
Trước khi biểu diễn, tiết mục sẽ được dàn dựng trong vòng một tháng. Các vũ công nhí được bố mẹ đưa đón ngày đêm đi tập bài. Vất vả có, đau đớn có, mệt mỏi có nhưng vì ước mơ mà cả con và bố mẹ đều cố gắng đến tận cùng. Trước ngày biểu diễn, các con đến chạy bài. Có những tiết mục xếp cuối cùng, có những chương trình tận 1 giờ sáng mới duyệt nhưng các con chỉ cần nghe thấy nhạc là lại vui vẻ trên sân khấu.
Đối với các vũ công nhỏ, ngoài những cố gắng luyện tập còn phải kể đến sự hi sinh của các bậc làm cha, làm mẹ để thực hiện ước mơ của con. Con lên sân khấu biểu diễn một vở múa cần bao công sức và thời gian của bố mẹ.
Để được một vở diễn chỉn chu đến cho công chúng thì lặng thầm phía sau là những chăm sóc của cha mẹ trước khi lên sân khấu, an ủi con mỗi khi con khó khăn, xót xa khi con luyện tập đau đớn, hạnh phúc khi con tỏa sáng trên sân khấu….
Thật khó để giải thích cho người không múa ballet sức hút mạnh mẽ của ballet và niềm đam mê theo đuổi của vũ công. Đó là một nghệ thuật gần như bất chấp không lời giải thích và thách thức mà hàng ngày các vũ công phải đối mặt. Những vũ công nhí với niềm đam mê ballet từng bước từng bước một trở thành vũ công ballet chuyên nghiệp. Cho dù có khó khăn, vất vả với các bạn đồng trang lứa nhưng những đứa trẻ không ngừng cố gắng để trở thành những vũ công mặc váy trắng trong vở “Hồ Thiên Nga”.