Câu chuyện cuộc sống: hương vị tình thân

Ngân Quỳnh là cô giáo ở thành thị về vùng cao dạy học. Từ nhỏ, cô đã có mơ ước trở thành cô giáo lên miền núi dạy học cho các em nhỏ.

Tranh minh họa.

Tranh minh họa.

Ước mơ ấy đã thôi thúc Ngân Quỳnh không ngừng cố gắng trong học tập và rèn luyện. Ra trường, dù được nhận về một ngôi trường nổi tiếng của thành phố làm việc nhưng cô từ chối vì đã có hướng đi cho riêng mình.

Ngân Quỳnh lựa chọn dạy học ở một bản làng xa xôi miền Tây Bắc. Lớp học của cô thuộc khối 1, có hơn hai chục em học sinh, trong đó nhiều em ở xa trường. Hoạt động đầu tiên Ngân Quỳnh hướng dẫn các em là học thuộc Quốc ca. Cô giải thích nội dung, hoàn cảnh ra đời của bài hát cho các em hiểu, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc. Ngân Quỳnh còn chuẩn bị món quà đặc biệt là những chiếc áo in hình lá cờ Tổ quốc để tặng cho học sinh. Khoảnh khắc cả cô và trò cùng mặc đồng phục đặc biệt này và hát vang Quốc ca khiến ai nấy đều xúc động. Bài học đầu tiên cô giáo Ngân Quỳnh mang đến cho các em chính là tình yêu Tổ quốc.

Những ngày lên lớp sau đó, Ngân Quỳnh nhanh chóng chiếm được cảm tình của các học trò. Những bài giảng dễ hiểu, hấp dẫn và đầy sáng tạo của cô luôn cuốn hút các em nhỏ. Cô còn có những món quà khích lệ các em mỗi khi các em đạt kết quả cao hay làm được việc tốt. Với các em học sinh có lực học chưa tốt, Ngân Quỳnh sẵn lòng phụ đạo các em sau giờ học. Sự tận tình chỉ bảo, cổ vũ của cô dành cho học sinh giúp các em nhanh chóng tiến bộ, có thêm niềm yêu thích đến trường. Ngân Quỳnh cũng nhận được những tình cảm yêu thương chân thành từ những người dân thôn bản.

Trong lớp Ngân Quỳnh có một em học sinh mồ côi cả bố và mẹ. Cậu bé ít nói, sống cùng ông bà ngoại trong một căn nhà xập xệ, những bữa ăn thiếu thốn qua ngày. Thương cậu bé gầy còm, hàng ngày đi xa vài cây số để đến trường, Ngân Quỳnh xin ông bà cậu cho em lên trường ở cùng cô để tiện bảo ban, chăm sóc. Từ một học sinh lầm lì, lực học kém, cậu bé đã bứt phá, nằm trong top học sinh khá. Em cũng vui vẻ, hòa đồng hơn với mọi người. Vài tháng gắn kết, em gọi cô là mẹ một cách trìu mến. Khi nghe Ngân Quỳnh bảo: “Hãy để cô làm mẹ của con nhé!”, cậu bé vỡ òa hạnh phúc vì cảm nhận được hơi ấm tình thân. Tình yêu, sự sẻ chia của Ngân Quỳnh đã trở thành động lực lớn thôi thúc cậu bé cố gắng phấn đấu, thực hiện ước mơ trở thành một người thành đạt về giúp đỡ bà con quê hương mình.

Hơn 20 năm sau, cậu bé ngày nào đã trở thành một doanh nhân thành đạt, thực hiện nhiều dự án thiện nguyện giúp đỡ người dân quê mình. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được anh tạo điều kiện có công việc ổn định để chăm lo cho con cái. Ngôi trường cũ giờ khang trang hơn, những con đường bê tông kiên cố giúp các em nhỏ thuận lợi đến trường. Anh còn thành lập tổ xe hỗ trợ các em nhỏ nhà xa đến trường an toàn,…

Anh trở về ngôi nhà của mẹ nuôi Ngân Quỳnh, nơi từng gắn liền với tuổi thơ của mình. Mẹ vẫn lên lớp, vẫn hiền hậu và hết lòng với các học trò. Bao năm trôi qua, mẹ vẫn thủy chung với mảnh đất vùng cao, nơi người dân còn nhiều khó khăn nhưng đầy ắp ân tình. “Cảm ơn mẹ đã mang hương vị tình thân đến cho con, cho người dân quê hương con. À, quê hương của chúng ta!”, anh nói với mẹ trong niềm xúc động.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cau-chuyen-cuoc-song-huong-vi-tinh-than-398913.html