Câu chuyện sách giáo khoa: Không vì một vài 'viên sạn' mà nghi ngờ cả chủ trương
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là bất kỳ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt đến chuẩn mực khoa học và tính sư phạm. Chủ trương của Bộ là cố gắng để có sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất.
Nội dung về chất lượng sách giáo khoa được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sáng 11/10.
Bảo đảm chuẩn mực khoa học và tính sư phạm
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu vấn đề: “Có cần một quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ sách giáo khoa trong tương lai, không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì hay không? Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan tổng kết việc triển khai sách giáo khoa trong thời gian vừa qua chưa”?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sách giáo khoa đang được biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với sách giáo khoa cũ trước đây có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng.
Chương trình 2018 có tính phát điểm, là chỗ dựa và là yêu cầu để kiểm tra, đánh giá. Sách giáo khoa hiện nay được xem là học liệu, là căn cứ để có thể xã hội hóa. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là bất kỳ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt đến chuẩn mực khoa học và tính sư phạm. Chủ trương của Bộ là cố gắng để có sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất.
Việc thực nghiệm thực tế đối với sách giáo khoa sẽ được triển khai theo hướng kiểm tra xem giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao. Còn tài liệu đó về mặt khoa học, tính chính xác, đúng-sai thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng Thẩm định quốc gia.
Trong Thông tư 33 trước đây không nêu tỉ lệ thực nghiệm là bao nhiêu % mà chỉ nêu trong hồ sơ trình nộp có mô tả minh chứng về việc thử nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng, chúng tôi có nêu cụ thể tối thiểu là 10%, 15%, 20% cho các sách giáo khoa với dung lượng, đặc điểm khác nhau.
Không vì vài viên sạn mà nghi ngờ cả một chủ trương
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) chất vấn, đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá bước đầu về ưu điểm và hạn chế của chương trình giáo dục theo bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Về ưu điểm của sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chúng ta được nghe nói và được biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội về “sỏi và sạn”. Nhưng việc trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến. Liệu điều này có công bằng? Vừa qua, Bộ có tổng kết, đánh giá về quá trình một năm triển khai sách giáo khoa mới, trong đó, ý kiến của các thầy cô trực tiếp dạy lớp 1 phản ánh sách giáo khoa mới giúp họ có hứng thú hơn trong việc dạy học. Với tính mở, sách giáo khoa là công cụ để giáo viên được chủ động hơn.
Như vậy, có thể thấy chủ trương của Chương trình giáo khoa phổ thông 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng và Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông. Người dạy hào hứng hơn và qua đánh giá, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn. Chưa thể đánh giá cả chương trình phổ thông chỉ qua học sinh lớp 1 nhưng đây cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới đã chọn.
“Không nên chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) chất vấn: “Xung quanh vấn đề sách giáo khoa, nhiều cử tri cho rằng còn lỗi, sạn, Bộ trưởng trả lời thế nào, có đúng không? Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục?”
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều quan trọng nhất là tăng cường chất lượng các bộ sách giáo khoa trong thời gian tới.
Để có được bộ sách giáo khoa chất lượng, cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng; tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến... Bộ đang ráo riết sửa đổi Thông tư 33 về quy định biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Trong đó, chủ trương là không đợi các tác giả mang bản mẫu đến mới tổ chức thẩm định mà Bộ sẽ cùng các nhóm tác giả làm ngay từ đầu, mặc dù xã hội hóa nhưng cũng cần có sự giám sát, đồng hành của lực lượng quản lý.
“Chúng tôi sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn đối với đội ngũ biên soạn, điều chỉnh tiêu chuẩn các thành viên Hội đồng Thẩm định. Người biên soạn sẽ không tham gia Hội đồng. Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa và cùng chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) nêu vấn đề: “Trong bộ sách giáo khoa mới có một số bài thiếu tính khoa học, giáo dục. Bộ có giải pháp và khắc phục như thế nào?”
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi có các ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT và hội đồng chuyên môn đã trao đổi với tác giả, điều chỉnh ngay nội dung trước khi in, trước khi sách đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh quy trình để chất lượng sách giáo khoa tốt hơn.