Dự thảo Luật Nhà giáo: Tiền lương, chính sách đãi ngộ và những vấn đề căn cốt cần giải quyết

5 vấn đề căn cốt cần phải được ưu tiên giải quyết trong dự thảo Luật Nhà giáo là: Tiền lương và chế độ đãi ngộ; định danh và quản lý nhà giáo; phát triển công bằng giữa các khối công lập và ngoài công lập; thúc đẩy năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; tăng cường công tác truyền thông.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết. Ảnh Quochoi.vn

Xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết

Chia sẻ quan điểm trên Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ: Dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 đang thu hút sự quan tâm lớn của của tri cả nước, đặc biệt là lực lượng giáo viên.

Đánh giá cao nội dung dự thảo luật, vị đại biểu của tỉnh Trà Vinh cho rằng việc xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết để giải quyết các bất cập trong các chính sách hiện hành liên quan đến nghề nhà giáo như: Điều kiện làm việc; chế độ đãi ngộ; tiêu chuẩn nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi, nâng cao động lực cống hiến của nhà giáo, góp phần cải thiện chất lượng, tạo nền tảng phát triển tốt hơn cho ngành giáo dục Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn: Một trong những trọng điểm của dự thảo Luật Nhà giáo lần này là đảm bảo tiền lương của nhà giáo, đặc biệt cho những người làm việc ở vùng sâu vùng xa, sẽ thuộc mức ưu tiên cao trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp.

Các chính sách khác như phụ cấp đặc biệt và hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn cũng sẽ được điều chỉnh để thu hút nhân tài, nâng cao năng lực ngoại ngữ và áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

5 vấn đề căn cốt cần giải quyết trong Luật Nhà giáo

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ngoài các vấn đề lớn về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được quy định tại các Luật đã ban hành, có 05 vấn đề căn cốt cần phải được ưu tiên giải quyết trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ giáo viên như: Tiền lương và chế độ đãi ngộ; định danh và quản lý nhà giáo; phát triển công bằng giữa các khối công lập và ngoài công lập; thúc đẩy năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; tăng cường công tác truyền thông. Cụ thể:

Thứ nhất về tiền lương và chế độ đãi ngộ. Đây là một trong những vấn đề then chốt mà dự thảo Luật Nhà giáo cần cải thiện cho nhà giáo thông qua các chính sách.

Đặc biệt phải đảm bảo được mức sống cho nhà giáo và thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Theo đại biểu, đây là lĩnh vực quan trọng nhất – lĩnh vực đào tạo ra những con người có ích phục vụ cho xã hội.

Thứ hai về định danh và quản lý nhà giáo. Cần phải khẳng định, việc xác định rõ vị trí và trách nhiệm của nhà giáo, phân biệt giữa nhà giáo (giáo viên, giảng viên) và nhà quản lý giáo dục (cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) là quan trọng để tránh xung đột và nhầm lẫn trong các quy định hiện hành.

Thứ ba về phát triển công bằng giữa các khối công lập và ngoài công lập (dân lập và tư thục). Dự thảo Luật cần đảm bảo bình đẳng trong chế độ làm việc và đãi ngộ cho giáo viên giữa các khối trường công lập và tư thục, tạo sự thống nhất trong việc tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực.

Thứ tư về thúc đẩy năng lực và phẩm chất nghề nghiệp. Dự thảo luật cũng cần phải hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Thứ năm về tăng cường công tác truyền thông. Đại biểu cho rằng, một chiến lược truyền thông hiệu quả về tầm quan trọng và vai trò của nhà giáo trong xã hội là điều cần thiết để tạo sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía công chúng và các bên liên quan khi triển khai Luật.

Quản lý nhân sự giáo dục: Cần có cách tiếp cận khác biệt

Để giải quyết vấn đề thừa và thiếu giáo viên cục bộ kéo dài nhiều năm qua, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo cần có các quy định rõ ràng về phân cấp, phân quyền theo cơ chế linh hoạt hơn trong quản lý, tuyển dụng và điều động giáo viên.

Theo đại biểu, việc quản lý nhân sự trong ngành giáo dục cần có cách tiếp cận khác biệt so với các ngành nghề khác.

Ông cho rằng, cơ chế quản lý hiện tại chủ yếu dựa trên biên chế nhà nước đã tạo ra sự cứng nhắc trong việc phân bổ và điều chuyển giáo viên, đặc biệt là khi cần bổ sung giáo viên tại các vùng khó khăn hoặc chuyên môn mới trong chương trình giảng dạy.

Do vậy, cần có cơ chế phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (trong phạm vi toàn quốc) hay Sở Giáo dục và Đào tạo (trong phạm vi nội tỉnh) được tự chủ hơn, thỏa thuận với lãnh đạo các địa phương trong việc điều động và biệt phái giáo viên giữa các khu vực thiếu và thừa giáo viên (tất nhiên là phải đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích, xem xét yếu tố hoàn cảnh, ưu tiên cho các trường hợp tự nguyện…) nhằm giảm áp lực cho những vùng có nhu cầu cao về giáo viên cho từng cấp học, từng môn học theo từng năm học….

Cần quy định rõ ràng, cụ thể chế độ tiền lương, phụ cấp nhà giáo

Đại biểu Trần Quốc Tuấn chia sẻ: Dự thảo Luật Nhà giáo lần này đang đưa ra nhiều chính sách nhằm tôn vinh và nâng cao đãi ngộ cho nhà giáo, bao gồm các chế độ về làm việc, lương và phụ cấp.

Một trong những đề xuất quan trọng là quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thể hiện quan điểm giáo dục là "quốc sách hàng đầu".

Điều này được xem là phù hợp để thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cơ chế giám sát cụ thể cho các chính sách này, tránh tình trạng các quy định chỉ tồn tại trên văn bản mà không thực hiện được trong thực tế.

Các quy định về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo cũng cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, như mức phụ cấp thâm niên và phụ cấp vùng miền, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong phân bổ ngân sách.

Cần xây dựng cơ chế đánh giá, tôn vinh, và đảm bảo quyền lợi phù hợp cho nhà giáo

Để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải rà soát lại các nội dung đã quy định trong các luật khác rồi thì không nên quy định trong dự thảo Luật này để tránh tình trạng mâu thuẫn giữa các điều khoản trong Luật Nhà giáo với các luật khác như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Công chức, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động…

Dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến các quy định về nhà giáo là người nước ngoài để đồng bộ với các luật liên quan.

Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung chính sách thu hút, chính sách ưu tiên đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là người dân tộc thiểu số công tác ở vùng đồng bào dân tộc, giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số hay chính sách phát triển, tạo nguồn giáo viên người dân tộc thiểu số; chế độ tuyển dụng ưu tiên đối với diện cử tuyển là người dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế đánh giá, tôn vinh, và đảm bảo quyền lợi phù hợp cho nhà giáo, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc và chính sách bảo vệ danh dự nghề nghiệp./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/du-thao-luat-nha-giao-tien-luong-chinh-sach-dai-ngo-va-nhung-van-de-can-cot-can-giai-quyet-119241031160943106.htm