Chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng phát sinh của cả nước

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh rạch, diễn ra tại TPHCM vào ngày hôm nay 20/9.

Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, chất thải phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đó là sức ép rất lớn lên sức khỏe người dân và môi trường sống.

Hiện nay cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)/ngày, trong đó lượng CTRSH phát sinh tại TPHCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng phát sinh của cả nước.

Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh rạch. Ảnh: Xuân Dự

Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh rạch. Ảnh: Xuân Dự

"Tuy nhiên, hiện nay năng lực của chúng ta mới chỉ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tỷ lệ 88,34%. Nghĩa là còn gần 12% tổng lượng CTRSH phát sinh hàng ngày chưa được thu gom và xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, ngòi, kênh rạch. Đó là chưa kể từ những hình ảnh thiệt hại do bão lũ, đặc biệt là những tác động từ cơn bão Yagi vừa qua cho chúng ta thấy sau bão, lũ, phần lớn chất thải đều đổ ra sông, ngòi, kênh rạch và sau đó đổ ra biển", ông Hồ Kiên Trung nói.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ mới để thu gom rác thải nhựa trên kênh, rạch và biển PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: "Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa trên biển với mục tiêu đến năm 2025, chấm dứt 100% rác thải nhựa dùng một lần; 100% sử dụng túi và bao bì nhựa thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc hộ gia đình. Đến năm 2030, giảm 70% rác thải nhựa trên biển. Một trong những giải pháp để đạt được các mục tiêu này là tìm kiếm và phân tích về khả năng duy trì, nhân rộng các công nghệ thu gom rác thải, trong đó có rác thải nhựa trên sông, kênh rạch".

Đối với vấn đề hợp tác xử lý rác thải, chất thải nhựa trên sông, ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) - chia sẻ: "Bằng cách thu gom rác thải trên các con sông, chúng ta đang trực tiếp ngăn chặn nhựa từ đất liền ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là vấn đề quan trọng. Tôi tin rằng việc cải thiện quản lý rác thải sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ sở tái chế vật liệu".

Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung nhấn mạnh: "Việt Nam nỗ lực triển khai nhiều chính sách, giải pháp quan trọng giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải và chất thải nhựa gây ra. Một trong những chính sách đó là biến chất thải thành nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải".

Ông Hồ Kiên Trung – Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Ông Hồ Kiên Trung – Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự

Trong một thời gian ngắn kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp từ 75% năm 2020 xuống thành 62%; xử lý bằng phương pháp đốt có phát điện chiếm tỷ lệ 10,25%; xử lý chất thải thực phẩm thành mùn/phân hữu cơ chiếm tỷ lệ 16,15% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Xuân Dự

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-tphcm-va-ha-noi-chiem-gan-1-3-tong-luong-phat-sinh-cua-ca-nuoc-169240920144453051.htm