Châu bản triều Nguyễn trở thành di sản thế giới
ANTĐ Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.
Quyết định trên đã được thông qua tại Phiên họp thứ 2 của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) được tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 14-5, với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia.
Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận dựa trên nhiều tiêu chí về tính xác thực, ý nghĩa quốc tế, các giá trị nội dung, tính độc đáo, duy nhất. Đây là văn bản hành chính được ban hành bởi các cơ quan trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn, được đóng dấu hợp pháp, sau đó được Hoàng đế trực tiếp phê duyệt và để lại dấu tích bằng mực son. Các hình thức ngự phê rất phong phú của nhà vua như châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải…
Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lại của một vương triều phong kiến tại Việt Nam, là nguồn tài liệu gốc rất có giá trị giúp nghiên cứu phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Thông qua khối văn bản này, vương triều Nguyễn thể hiện rất rõ chính sách ngoại giao của mình với triều đình và các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Đây cũng là bằng chứng nguyên gốc, vô cùng thuyết phục cho thấy vương triều Nguyễn đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ năm 1816, dưới thời vị vua đầu triều Gia Long.
Như vậy tính đến nay, “Châu bản triều Nguyễn” là Di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012).