Chế tài xử lý lãng phí chưa đủ sức răn đe

Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên thảo luận sáng 04/11, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề phòng, chống lãng phí và cho rằng, vấn đề này được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí. Ảnh QH

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí. Ảnh QH

Đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí và kiện toàn thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về "Chống lãng phí" đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.

Đề cập đến bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, nữ đại biểu cho rằng: Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh lãng phí còn khá phổ biến dưới nhiều dạng thức, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào "kỷ nguyên mới"

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Phân tích sâu hơn về thực trạng này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa chỉ ra bốn nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn lãng phí còn phổ biến.

Thứ nhất, còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.

Thứ ba, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn.

Thứ tư, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

Mặc dù Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí là Điều 179 về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Điều 219 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như: tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

"Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao" - đại biểu lưu ý./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/che-tai-xu-ly-lang-phi-chua-du-suc-ran-de-36021.html