Chỉ 1,3% chủ xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em

Tỷ lệ xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ ở Hà Nội chỉ 2,6%, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh là 1,1%; riêng tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 0%.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Nghiêm Ý

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Nghiêm Ý

Thông tin trên được PGS.TS Phạm Việt Cường, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) đưa ra tại buổi họp phổ biến những quy định mới về bảo vệ trẻ em trên xe ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh sáng 10-10.

Cũng theo PGS.TS Phạm Việt Cường, sự gia tăng nhanh chóng của sở hữu ô tô ở Việt Nam khiến nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô có xu hướng tăng. Chẳng hạn, tại thành phố Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu xe con là 113,7%/năm (2014-2018) và tỷ lệ sở hữu ô tô con là 60 xe/1.000 dân (2018).

Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 có nhiều điểm mới mà các bậc phụ huynh có ô tô chở con cần phải chú ý.

Chẳng hạn, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ. Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

“Thống kê của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ ở Hà Nội chỉ 2,6%, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh là 1,1%, cá biệt tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 0%. Chỉ 1,3% xe ô tô tại Việt Nam có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ và hầu hết người dùng là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài”, PGS.TS Phạm Việt Cường dẫn số liệu.

Cũng theo PGS.TS Phạm Việt Cường, tỷ lệ trẻ em ngồi ghế trước ô tô ở Việt Nam khá phổ biến. Thống kê cho thấy có khoảng 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Tuy nhiên, trẻ em không nên ngồi ghế trước.

Dẫn giải nguyên nhân, chuyên gia này cho hay, vị trí ghế trước sẽ chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí. Đặc biệt, do trẻ hiếu động, tò mò sẽ gây mất tập trung hơn cho người lái xe. Chưa kể, ghế trước cũng không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em trong thiết kế xe.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) thông tin tại buổi họp. Ảnh Nghiêm Ý

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) thông tin tại buổi họp. Ảnh Nghiêm Ý

Còn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, để bảo vệ trẻ em tham gia giao thông đường bộ thì tuyệt đối không cho trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế). Đồng thời phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, liên quan đến tai nạn giao thông trẻ em (học sinh từ 6 đến 18 tuổi), năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.158 vụ, làm chết 1.034 em, bị thương 827 em. Riêng 9 tháng năm 2024, toàn quốc xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 em.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chi-1-3-chu-xe-o-to-co-su-dung-thiet-bi-an-toan-cho-tre-em-680963.html