'Chìa khóa' giảm nghèo ở Bình An

Là xã vùng cao với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song mấy năm trở lại đây xã Bình An (Lâm Bình) đã có những bước chuyển mình đáng kể. Đặc biệt, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã được triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ nghèo, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ và đi lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ nghèo, UBND xã Bình An thường xuyên cử cán bộ tiến hành rà soát, cập nhật tình hình hộ nghèo. Từ đó, triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo một cách phù hợp. Những hộ thiếu vốn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi thông qua các tổ tín dụng để đầu tư, phát triển kinh tế. Các hộ thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trên địa bàn. Các hộ có mặt bằng nằm trên trục đường chính được khuyến khích phát triển kinh doanh, sản xuất để nâng cao thu nhập...

Phát triển nghề trồng mía giúp nhiều hộ dân xã Bình An vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn từ 2016 đến nay. (Trong ảnh: Người dân thôn Tiên Tốc chăm sóc cây mía).

Phát triển nghề trồng mía giúp nhiều hộ dân xã Bình An vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn từ 2016 đến nay. (Trong ảnh: Người dân thôn Tiên Tốc chăm sóc cây mía).

Với lợi thế gần mặt đường chính, gia đình anh Ma Văn Băng, thôn Tống Pu được tạo điều kiện nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển xưởng sản xuất khung nhôm, cửa kính. Đến nay, mô hình phát triển hiệu quả đã tạo việc làm cho từ 3 đến 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Ma Công Tường, đang làm việc tại xưởng cho biết, gia đình anh thuộc hộ nghèo, nhưng từ khi có việc làm và thu nhập ổn định tại cửa hàng nhôm kính, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi tích cực hơn. Hiện anh và gia đình đang nỗ lực phát triển kinh tế để phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.

Cùng với triển khai các giải pháp hỗ trợ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn xã đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền về giảm nghèo làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có một số hộ nghèo tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tiêu biểu như: Hộ anh Hoàng Văn Hiển, chị Ma Thị Thương ở thôn Chẩu Quân; anh Ma Công Tiến, Ma Đức Hoàn ở thôn Tống Pu... Anh Ma Công Tiến nói, anh nhận thấy muốn thoát được nghèo thì bản thân mỗi hộ nghèo cần phải nỗ lực trong cuộc sống, không được trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chính vì thế, từ khi gia đình anh mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nghề nuôi trâu sinh sản, với hướng đi này đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Do đó, anh đã tự tin xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để tạo động lực phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.

Theo thống kê của UBND xã, trong giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn xã có trên 700 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. UBND xã cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện tổ chức được gần chục lớp dạy nghề cho hàng trăm người lao động trên địa bàn. Tính trung bình mỗi năm toàn xã có hơn 100 lao động đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng... Từ các giải pháp giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm từ 78,63% (năm 2016) xuống còn 63,54%.

Đồng chí Ma Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, qua tuyên truyền, nhận thức của người dân đối với công tác giảm nghèo đã thực sự thay đổi so với trước kia, giúp xã triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo như: Phát triển nghề nuôi trâu bò ở thôn Tiên Tốc, Nà Xé; trồng mía ở thôn Tát Ten... Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo, trong đó tập trung giải quyết việc làm cho người lao động, phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 giải quyết việc làm mới cho 300 lao động trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chia-khoa-giam-ngheo-o-binh-an-127255.html