Đột phá về thể chế, hạ tầng, quản trị để doanh nghiệp lớn mạnh

Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị cần có cơ chế, chính sách, đặt hàng cụ thể để cùng chung tay xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Sáng 4-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt đại diện các doanh nghiệp (DN) nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu.

Thủ tướng nêu rõ cuộc gặp mặt được tổ chức để cùng tri ân, vinh danh các DN, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Ông nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian qua.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC/VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC/VGP

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự

Tại buổi gặp mặt, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo DN, hiệp hội DN chia sẻ câu chuyện trong kinh doanh và vai trò xã hội của DN; đồng thời nêu ra những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng để hỗ trợ tốt hơn cho các DN phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chia sẻ với ý kiến góp ý của các DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đầu tiên là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho DN, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Song song đó, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế.

Nhiệm vụ, giải pháp thứ ba là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các DN nói riêng. Đồng thời, hoàn thiện mô hình quản trị DN hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

“Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho DN phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Mỗi người hãy bằng những hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các DN, doanh nhân thực hiện năm tiên phong.

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực). Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế đêm…

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cũng đề nghị DN, doanh nhân tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Mặt khác, cần tiên phong xây dựng quản trị DN hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Cuối cùng là tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

“Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Ngành ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp là bạn đồng hành

Nêu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay ngành ngân hàng luôn xác định DN là người bạn đồng hành. Bởi DN vừa là người gửi tiền vừa là người đi vay trong hệ thống ngân hàng.

Các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến DN và người dân. Với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, bà Hồng cho biết NHNN muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng. Tuy nhiên, sứ mệnh của NHNN là phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của DN.

Thống đốc NHNN nhìn nhận cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng DN Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển DN “sếu đầu đàn” và các DN vệ tinh.

Doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP

Phát biểu trước đó tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong chín tháng đầu năm đã có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo ông Dũng, trong chín tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng. Khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình DN đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỉ lệ DN đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp năm lần so với kỳ khảo sát trước. “Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN, nhất là DN khu vực tư nhân” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dù vậy, ông Dũng cho hay phải thẳng thắn nhìn sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

“Phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Một số còn có tư duy kinh doanh «thời vụ», thiếu tầm nhìn chiến lược” - ông Dũng đánh giá. Theo ông, số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại.

“Chúng ta cần bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế” - ông nhấn mạnh và đề nghị khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn.

Ông cũng kiến nghị cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ DN và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về phía cộng đồng DN, ông Dũng đề nghị các DN lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho DN nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.•

Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:

Thu hút nguồn lực trong dân để làm đường sắt tốc độ cao

Tôi ủng hộ việc cần thiết làm hai dự án là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là “nguồn vốn” để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là “tiết kiệm chi phí hợp lý”.

Theo tôi, Chính phủ, Thủ tướng cần có một đề án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để thực hiện. Có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.

DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các DN tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia...

Lực lượng DN nhỏ và vừa đang chiếm 97% tổng số DN cả nước, tuy nhiên lực lượng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước lại là các DN lớn (chiếm khoảng 3%). Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ đi lên, hiệp hội kiến nghị Chính phủ tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN vừa.

Bà HUỲNH BÍCH NGỌC, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC:

Xem xét việc xây dựng trung tâm tài chính

Theo tôi, thị trường vốn nên được xây dựng thành một kênh huy động vốn quan trọng hơn, đặc biệt cần khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm chứng khoán như viễn thông, công nghệ, năng lượng tái tạo và bán lẻ...

TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối DN tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.

Ngoài ra, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết và được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư.

Trên cơ sở đó, kêu gọi sự đồng lòng góp sức từ các DN tư nhân để hợp lực hoàn thiện hệ sinh thái tài chính nhằm chung tay xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng, các bộ, ngành đã dành rất nhiều thời gian để tháo gỡ khó khăn cho DN. Chúng tôi rất ấn tượng với nội dung “tất cả chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” quy định tại Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ.

Chúng tôi cũng mong các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ phát động.

Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội. Do đó, mong Thủ tướng quan tâm đến 500.000 chủ nhà trọ trên phạm vi cả nước đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp đô thị nhưng họ chưa được hưởng chính sách gì.•

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/dot-pha-ve-the-che-ha-tang-quan-tri-de-doanh-nghiep-lon-manh-post813396.html