Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư điện hạt nhân

Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.

Chiều 21/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã trình bày dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết sau gần 20 năm thực thi, Luật Điện lực hiện hành bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tế, cần thiết phải sửa đổi và bổ sung.

Nhà nước độc quyền đầu tư điện hạt nhân

Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật này là việc phát triển điện hạt nhân. Bộ trưởng Diên nhấn mạnh dự án Luật quy định những nguyên tắc chung nhằm thúc đẩy phát triển điện hạt nhân, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định, an ninh năng lượng và đáp ứng cam kết của Việt Nam về mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26.

Theo dự án Luật, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài nhà máy điện hạt nhân, Nhà nước cũng độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp.

Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ giữ độc quyền điều độ hệ thống điện quốc gia và vận hành lưới điện truyền tải, ngoại trừ những lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư.

Liên quan đến chính sách phát triển điện hạt nhân, dự án Luật quy định quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải được tích hợp chặt chẽ và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Dự án điện hạt nhân được xem là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do Nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.

Toàn bộ quá trình từ đầu tư, xây dựng, vận hành, đến chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân đều phải tuân thủ Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật liên quan.

Ngoài ra, các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.

"Tùy thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả", dự án Luật nêu.

Trước đó, vào ngày 19/10, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng đã lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc đa dạng hóa các nguồn điện, chuyển dịch dần từ điện than sang điện sạch và thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Đồng thời, Thủ tướng còn yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, hoàn thiện các quy định và thể chế, cũng như cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII.

Giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện

Liên quan đến chính sách giá điện, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Điều này áp dụng cho những đối tượng chưa đủ điều kiện hoặc không lựa chọn tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đồng thời, việc bù chéo giá điện giữa các vùng, miền cũng sẽ dần được xóa bỏ, phù hợp với mức độ phát triển của thị trường điện.

Dự án Luật bảo đảm quyền tự quyết của các đơn vị về giá mua bán điện, trong khung giá điện và cơ cấu biểu giá bán lẻ do Nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, mức giá điện phải được thực hiện công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực.

Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Ảnh: Lê Hiếu.

Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Ảnh: Lê Hiếu.

Dự án Luật cũng đề xuất áp dụng cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao và phát thải lớn, cơ sở lưu trú du lịch, các khách hàng sản xuất sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển và trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và chủ trương của Nhà nước trong từng giai đoạn.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua bán điện phục vụ sinh hoạt, làm rõ các nội dung các hoạt động mua bán điện.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dịch vụ điện, cùng với tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/chinh-phu-de-xuat-nha-nuoc-doc-quyen-dau-tu-dien-hat-nhan-post1505748.html