Chính phủ tự tin nợ nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát

Theo Bộ Tài chính, nợ nước ngoài quốc gia tính đến ngày 31-12-2018 so với GDP chiếm 46%, giảm so với con số 48,9 % của năm 2017, trong đó chiếm tỉ lệ lớn là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát Tài chính tiền tệ quốc gia tuần qua đã khẳng định, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

 Tổng nợ nước ngoài quốc gia so với GDP tính đến tháng 12-2018.

Tổng nợ nước ngoài quốc gia so với GDP tính đến tháng 12-2018.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành là 13%/năm trong cùng giai đoạn.

Nếu năm 2013, tỉ lệ nợ nước ngoài so với GDP chỉ ở mức 37,3% thì đến cuối năm 2017, con số này đã mức 48,9%, sát với ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép. Tính đến hết năm 2018, tỉ lệ này giảm xuống còn 46% trong đó cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia đều giảm. Cụ thể, nợ nước ngoài của Chính phủ còn 19,3% GPD, nợ nước ngoài của Chính phủ bảo lãnh còn 4,4% GDP, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp còn 22,3% GDP.

Cũng theo bộ tài chính, tỷ lệ trả nợ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 25%, bảo đảm các quy định và thông lệ quốc tế.

Còn nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm. Năm 2018, Chính phủ đặt ra hạn mức bảo lãnh vay nợ 700 triệu đô la nhưng đã không bảo lãnh vay quốc tế dự án nào mà ưu tiên vay vốn trong nước khi trong nước có khả năng và có lợi về lãi suất hơn.

Lũy kế đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỉ đô la, trong đó 23,6 tỉ đô la vốn vay nước ngoài và 4,1 tỉ đô la vốn vay trong nước. Trong các lĩnh vực quan trọng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn thì ngành điện chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong năm qua, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016; chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của doanh nghiệp), tập trung ở một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn.

Với kết quả nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp.

Theo trang web Chinhphu.vn, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Yến Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292686/chinh-phu-tu-tin-no-nuoc-ngoai-van-trong-tam-kiem-soat.html