Sơ kết thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và cây cam Sành

BHG - Sáng 3.10, tại trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 58, ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025 (Nghị quyết 58). Các đồng chí: Hầu Minh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực UBND các huyện, thành phố…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hầu Minh Lợi phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hầu Minh Lợi phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 04); BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 05). Trên cơ sở này, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58 để hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sùng Mí Thề thảo luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sùng Mí Thề thảo luận tại hội nghị.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 04, tại 3 huyện trọng điểm về cam (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên) có 279 hộ/9 xã được vay vốn số tiền gần 27,8 tỷ đồng theo Nghị quyết 58 để đầu tư nâng cao chất lượng 467,8 ha cam Sành. Kết quả sau đầu tư cho thấy: Năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha, tăng từ 5 tạ/ha trở lên so với trước thời điểm vay vốn; cam loại I chiếm tỷ lệ 70 - 80%, độ ngọt bình quân đạt 10,15%; giá bán bình quân tại vườn là 10 nghìn đồng/kg, tăng từ 3 – 4 nghìn đồng/kg so với trước khi đầu tư. Đối với Nghị quyết 05, toàn tỉnh có 7.759 hộ cải tạo vườn tạp với tổng diện tích hơn 280 ha; trong đó, 3.653 hộ nghèo, cận nghèo được vay số tiền gần 108,8 tỷ đồng theo Nghị quyết 58. Kết quả, số vườn cho hiệu quả kinh tế chiếm 76,62%, bình quân thu nhập đạt 18,81 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 1,5 - 2 lần so với thời điểm chưa cải tạo vườn tạp.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Trung Hiếu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Trung Hiếu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế như: Kết quả triển khai nghị quyết đạt thấp; trong đó, Nghị quyết 04 mới đạt 23,39%, Nghị quyết 05 đạt 56,2% so với mục tiêu đề ra. Các hộ nghèo, cận nghèo không đăng ký vay vốn theo Nghị quyết 58 mà chuyển sang đăng ký thực hiện chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, do có định mức hỗ trợ cao, nhiều nội dung hỗ trợ, kết quả hưởng lợi lớn hơn. Do vậy, tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 58 chững lại, khó hoàn thành chỉ tiêu được giao. Riêng với cây cam Sành, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cam Sành. Trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo Nghị quyết 58 phát huy hiệu quả trong thực tiễn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Ngô Văn Tăng báo cáo kết quả cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Ngô Văn Tăng báo cáo kết quả cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hầu Minh Lợi khẳng định: Nghị quyết 58 đã mang lại hiệu quả KT-XH, môi trường, có ý nghĩa lớn trong việc thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, nhiều chính sách theo Nghị quyết 58 chưa được thực hiện như: Bảo tồn gen, nhân giống tốt, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành… Mặt khác, định mức hỗ trợ theo Nghị quyết 58 còn thấp nên người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã không muốn tiếp cận.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với cây cam Sành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với cây cam Sành.

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết 58, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hầu Minh Lợi đề nghị: Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố lồng ghép nguồn vốn, chính sách thực hiện Nghị quyết 58. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian cho vay đối với từng món vay khớp với thời gian thu hồi vốn, vì đến hết năm 2025 Nghị quyết 58 kết thúc giai đoạn thực hiện. Các huyện, thành phố chủ động tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 58 để rút ra bài học kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn HĐND tỉnh sẽ kiến nghị BTV Tỉnh ủy đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 05, định hướng chính sách phát triển kinh tế nông hộ; tiếp tục triển khai Nghị quyết 04 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 có 5.000 ha cam được vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng…

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202410/so-ket-thuc-hien-chinh-sach-dac-thu-ho-tro-phat-trien-kinh-te-vuon-ho-va-cay-cam-sanh-35d0eba/