Chính sách của ngân hàng luôn hướng đến doanh nghiệp, người dân

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), cuối tuần qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân

Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải nỗ lực, quyết tâm; trong đó doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.

Thủ tướng ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm qua (2004-2023) đã đạt hơn 1,88 triệu; trong đó số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Ước tính số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159.000 của năm 2023, là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1000 dân năm 2023.

Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp, nên trong suốt những năm qua, NHNN luôn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện và chú trọng cải cách hành chính, thuộc nhóm đứng đầu trong xếp hạng chỉ số Par Index, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành Ngân hàng cũng luôn xác định doanh nghiệp là người bạn đồng hành, bởi vì doanh nghiệp vừa là người gửi tiền, vừa là người đi vay trong hệ thống ngân hàng. Bởi vậy các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến doanh nghiệp và người dân là trung tâm theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó mỗi khi nền kinh tế khó khăn, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đều quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, như trong đại dịch COVID-19 hay trước những biến động thời gian qua, NHNN đã ban hành chính sách để cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí đối cho người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cũng như tạo mọi thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh…

Với hệ thống các TCTD, mặc dù cũng là doanh nghiệp, nhưng họ cũng hết sức chia sẻ và nhân văn khi đã bố trí khoảng 60 nghìn tỷ đồng để giảm lãi và phí cho doanh nghiệp từ chính nguồn lực của mình. Tuy nhiên theo Thống đốc, các TCTD chỉ là trung gian tài chính, huy động tiền để cho vay, nên vẫn phải thực hiện các nguyên tắc, kỷ luật tài chính, bảo đảm an toàn cho mỗi tổ chức tài chính, theo đó cả hệ thống ngân hàng an toàn và hệ thống TCTD an toàn thì mới giữ được môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân.

“NHNN với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các TCTD là những đơn vị chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ tín dụng nhưng sứ mệnh của NHNN phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, suy cho cùng cũng vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN mong doanh nghiệp chia sẻ từ góc độ của các TCTD và sứ mệnh của NHNN, vì đại cục của nền kinh tế”, Thống đốc bày tỏ.

Về vấn đề tỷ giá, Thống đốc cho biết, từ năm 2016, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ, trong đó có giải pháp lãi suất tiền gửi USD bằng 0%. Chính sách đó đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, là một điểm sáng để nước ta nâng chỉ số tín nhiệm.

Một điểm sáng nữa là ngành Ngân hàng đang nỗ lực chuyển đổi số và những thành quả chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Hiện trên 90% dịch vụ của ngân hàng đã được cung cấp qua kênh số và không có cản trở gì đối với người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ này.

Đóng góp thêm cho sự phát triển của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN cho rằng, cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh. Hiện Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên trong đó có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mặc dù đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thực tế việc thực hiện chưa như kỳ vọng. Bởi vậy theo Thống đốc NHNN, cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.

6 giải pháp, 5 tiên phong

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân. Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện. Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong: Tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực; Tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; Tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chinh-sach-cua-ngan-hang-luon-huong-den-doanh-nghiep-nguoi-dan-156385.html