Nghịch lí của doanh nghiệp

Vì sao với năng lực 'chống chịu' hiếm có nhưng đa số doanh nghiệp Việt mãi 'chậm lớn' dù họ là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành nội lực, quyết định phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định?!

LỜI TÒA SOẠN

Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia.

Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy.

Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế.

Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước.

Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững.

Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu như vậy tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các tập đoàn lớn. “Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn”. Đây cũng chính là mong muốn của Chính phủ đối với giới doanh nhân.

Khác xa so với trước đây, khi các tập đoàn kinh tế nhà nước đang còn giữ thế thượng phong ở nhiều lĩnh vực, các tập đoàn tư nhân lớn đang vươn lên rất mạnh mẽ. Có thể kể đến các tên tuổi như Thaco, Hòa Phát, Vingroup, Sungroup, TH, FPT. Những doanh nghiệp này đi đến đâu là kéo theo sự phát triển ở đó, góp cho các địa phương tăng thu vượt bậc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn tư nhân. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn tư nhân. Ảnh: VGP

Việt Nam đã có 6 tỷ phú đô la, nhưng nhiều chuyên gia về doanh nghiệp cho biết, số lượng các tỷ phú đô la thực tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần con số công bố nói trên.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ Đổi mới, đến nay Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Những con số nói lên điều gì?

Trước hết, cần nhắc lại số liệu của Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 “đã lỡ” và có 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 “sẽ lỡ”.

Về cơ bản, với kinh tế hộ gia đình phi nông nghiệp chiếm đến 33%, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn manh mún. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức được cho là chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong nhiều năm nay.

Nguyên nhân là gì?

Đã có nhiều lý giải, nhưng có lẽ nên tham khảo lời giải thích từ một báo cáo chuyên đề của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo đó, doanh nghiệp tư nhân không lớn lên được do có tâm lý e ngại là khi kinh tế tư nhân lớn mạnh sẽ thao túng nền kinh tế, làm chệch định hướng Xã hội Chủ nghĩa do xuất hiện một số chủ tư nhân có “quyền lực ngầm ” chi phối cả cơ chế, chính sách.

Sỡ dĩ còn hiện tượng tâm lý này do một vài trường hợp, một số biểu hiện trong vận hành, phát triển của kinh tế tư nhân thời gian qua.

Cũng như vậy, còn tồn tại nhận thức phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác khi cơ bản các nguồn lực vẫn tập trung phần lớn trong các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù có thể các nguồn lực này chưa được sử dụng hiệu quả.

Quần thể dịch vụ du lịch, giải trí dọc bờ biển Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Ảnh: Hoàng Giám

Quần thể dịch vụ du lịch, giải trí dọc bờ biển Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Ảnh: Hoàng Giám

Trong khi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được trải thảm đỏ, được ưu đãi từ đất đai, vay vốn, thuế... thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không những không được ưu đãi mà còn phải vận hành doanh nghiệp dưới sự điều chỉnh của rất nhiều loại giấy phép con.

Báo cáo của Học viện Chính trị quốc gia còn cho biết, một số cán bộ, công chức "nhũng nhiễu, phiền hà" khiến doanh nghiệp tư nhân gặp không ít khó khăn khi đáp ứng các thủ tục hành chính. Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân nhiều khi "sợ tiếp xúc với công chức" do bị nhũng nhiễu, thậm chí gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Những lời giải thích như vậy cho thấy, các nhà hoạch định chính sách không xa lạ gì với những vấn đề đang níu kéo sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng không chỉ vậy. Lãi suất ngân hàng cao đã làm hao mòn nội lực của doanh nghiệp tư nhân. Trong một cuộc khảo sát với hơn 30.000 doanh nghiệp tư nhân mới đây, có tới 47% kiến nghị giảm lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam - thường gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” cũng thường cao vượt trội. Việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, có tính nhất thời và đơn lẻ mà nó đã kéo dài hàng chục năm.

Nghịch lý phát triển

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói: “Có nghịch lý là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”.

Đối với lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường.

Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường. Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”.

Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Trong nửa đầu năm 2024 số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động gần 120.000, cao hơn so với hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường vào khoảng 1/1, mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Trước đây, có 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt đáng lo ngại. Đó là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn" đã “ra đi”, ông Thiên nói.

Đối ngược lại khả năng sinh tồn cao, năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam lại yếu.

"Nghịch lí” này được bộc lộ rõ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, 2024.

Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi nhỏ bé, yếu và “chậm lớn” mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành nội lực, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định?!

Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn.

Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây là những trăn trở, khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ để thực hiện cam kết và thông điệp “doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế” trong cuộc gặp với doanh nhân gần đây.

Tư Giang

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghich-li-cua-doanh-nghiep-2328305.html