Chính sách hỗ trợ tai nạn lao động quy định như thế nào?

Các chính sách về hỗ trợ tai nạn lao động được kiến nghị cần được cải thiện, thậm chí nâng mức cao hơn ở nhóm ngành có nguy cơ cao...

Tại phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đang cào bằng như nhau.

Vì thế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị phân tỷ lệ đóng vào quỹ theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro của nghề. Như vậy, quỹ bảo hiểm sẽ giúp ích được nhiều hơn và tạo được sự công bằng với nhóm nghề này.

Còn đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, tai nạn lao động chết người, thương tích nặng diễn ra ở lao động trẻ đang có xu hướng tăng. Đối tượng này còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn. Sau khi bị tai nạn lao động, các chính sách hỗ trợ hầu như không có. Tuy nhiên, người lao động tham gia bảo hiểm y tế không có hỗ trợ này. Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện có điều chỉnh theo hướng mở rộng chế độ được hưởng, gồm cả chế độ tử tuất, thai sản, tai nạn lao động nhưng còn phải chờ.

Mặt khác, đại diện Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng, hiện tỷ lệ nông dân có đủ tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít, chỉ chiếm 13%, nên mong muốn có một chính sách hỗ trợ cho nông dân khi bị tai nạn lao động từ quỹ này.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai tập huấn ở các làng nghề, ngoài nguy cơ mất an toàn từ việc vận hành máy móc, thiết bị, đơn vị này nhận thấy nhiều vấn đề khác. Theo đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn Bộ Y tế tăng cường hơn nữa giải pháp hướng dẫn môi trường cho làng nghề để tránh bệnh nghề nghiệp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương, tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở chỉ số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Cụ thể, số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người).

Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người). Đây là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Hiện nay, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động được quy định rất chặt chẽ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ngày 28/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 28) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chế độ này.

Theo đó, tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Bên cạnh đó, theo Điều 3 Thông tư 28, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra, tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết.

Cụ thể, mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân người lao động bị chết. Mức bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Còn theo Điều 4 Thông tư 28, trong trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người sử dụng lao động phải trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động.

Theo đó, mức trợ cấp ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao lao động. Mức trợ cấp ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,16 tháng tiền lương.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-ho-tro-tai-nan-lao-dong-quy-dinh-nhu-the-nao-252527.html