Chính thức dạy tiếng Hàn trong trường phổ thông

Với gần 260 học sinh đăng ký, khóa học tiếng Hàn đầu tiên trong trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn Đồng Nai chính thức được triển khai.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình trao đổi với học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh về việc học ngoại ngữ thứ 2. Ảnh: Hải Yến

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình trao đổi với học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh về việc học ngoại ngữ thứ 2. Ảnh: Hải Yến

Đây có thể là tiền đề để phát triển việc dạy và học ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh trong trường THPT. Bởi trên thực tế, ngoài tiếng Hàn, học sinh còn có nhu cầu học nhiều ngoại ngữ khác, trong đó có tiếng Hoa, tiếng Nhật.

Được học sinh đón nhận

Tháng 6-2024, Đề án Thí điểm hỗ trợ dạy tiếng Hàn tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh được ký kết. Theo đó, 3 đơn vị phối hợp triển khai thực hiện là: Sở Giáo dục và đào tạo, Công ty TNHH Giáo dục Visang Việt Nam và Trường đại học Lạc Hồng. Đề án được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, việc tổ chức hoạt động dạy tiếng Hàn được thực hiện ngoài giờ học chính khóa. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy học là giảng viên tiếng Hàn tại Trường đại học Lạc Hồng và giáo viên của Công ty TNHH Giáo dục Visang Việt Nam.

Đề án nhằm đa dạng hóa việc dạy các ngoại ngữ trong nhà trường thông qua các hình thức ngoài giờ học chính khóa, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp học sinh các trường THPT được học tiếng Hàn khi có nhu cầu. Đề án cũng nhằm hình thành mô hình giáo dục tiếng Hàn thông minh đầu tiên cho học sinh THPT tại Đồng Nai.

Bên cạnh tổ chức dạy tiếng Hàn, các đơn vị thực hiện Đề án Thí điểm hỗ trợ dạy tiếng Hàn tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc để học sinh tham gia.

Do thời gian triển khai đề án trong hè nên khi các trường THPT thông báo thì hầu như không có học sinh đăng ký. Nhưng trên thực tế, nhu cầu học thêm một ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh trong học sinh THPT là không nhỏ. Điều này đã được thể hiện thông qua các buổi trao đổi giữa Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình với học sinh các trường THPT.

Ông Huỳnh Thanh Bình cùng các giảng viên của Khoa Đông phương học, Trường đại học Lạc Hồng đã trực tiếp đến các Trường THPT: chuyên Lương Thế Vinh, Chu Văn An (thành phố Biên Hòa) và Dầu Giây (huyện Thống Nhất) để trao đổi, tìm hiểu về nhu cầu học ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh của học sinh. Đây cũng là 3 trường sẽ triển khai thí điểm dạy tiếng Hàn.

Tại các buổi tiếp xúc, học sinh tỏ ra rất hào hứng với việc học ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh. Không chỉ tiếng Hàn, học sinh còn có nguyện vọng học tiếng Hoa, tiếng Nhật. Mặc dù yêu thích học ngoại ngữ nhưng học sinh không có điều kiện tiếp cận các môn ngoại ngữ này. Nguyên nhân là do thiếu các trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Trung, Nhật, Hàn; thiếu đội ngũ giáo viên; chi phí học tập cao… Vì vậy, khi biết nhà trường tổ chức dạy tiếng Hàn và được miễn chi phí cho khóa học đầu tiên, các khóa học tiếp theo có mức học phí hợp lý, học sinh đã rất hào hứng.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ: “Em thấy việc triển khai dạy thêm tiếng Hàn trong nhà trường là phù hợp. Các bạn trẻ nếu biết nhiều ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Trường em được triển khai dạy thêm môn ngoại ngữ này là điều may mắn đối với học sinh”.

Tổ chức lớp học thuận lợi nhất cho học sinh

Theo tổng hợp của Khoa Đông phương học, Trường đại học Lạc Hồng, tổng số học sinh đăng ký học tiếng Hàn tính đến ngày 8-10 là 258 em (cao hơn số lượng dự kiến ban đầu của Sở Giáo dục và đào tạo là 108 em). Trong đó, Trường THPT Dầu Giây có 142 học sinh, Trường THPT Chu Văn An có 61 học sinh, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh có 36 học sinh, 19 học sinh còn lại thuộc nhiều trường THPT khác như: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nguyễn Đình Chiểu...

Với số lượng học sinh này, đơn vị phụ trách giảng dạy quyết định tổ chức lớp theo 2 hình thức để thuận lợi cho học sinh. Theo đó, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh và Trường THPT Chu Văn An sẽ tổ chức các lớp học tiếng Hàn trực tiếp với tổng thời gian 70% khóa học, 30% thời gian còn lại học online. Đối với Trường THPT Dầu Giây và các học sinh trường khác sẽ học 70% online và 30% trực tiếp. Khi tổ chức học trực tiếp, giảng viên Trường đại học Lạc Hồng và giáo viên của Công ty TNHH Giáo dục Visang Việt Nam sẽ đến trường THPT dạy học nhằm tạo thuận lợi cho học sinh trong việc đi lại.

Theo kế hoạch, ngày 10-10, lễ khai giảng khóa học sẽ được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Trong 2 ngày 12 và 13-10, sẽ triển khai dạy nhập môn tiếng Hàn trực tiếp tại Trường THPT Dầu Giây và triển khai dạy online từ ngày 14-10 qua ứng dụng Zoom.

Là người tâm huyết với đề án, ông Huỳnh Thanh Bình chia sẻ: “Khi bắt đầu đề án, chúng tôi nghĩ rằng sự quan tâm của học sinh là không nhiều nhưng khi đi sâu vào thực tế, tiếp xúc trực tiếp với học sinh mới thấy nhu cầu của học sinh rất lớn. Tôi mong chính học sinh phải thấy được giá trị của việc học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh và có cảm hứng để học ngoại ngữ”.

Ông Bình cho biết thêm: “Thời gian đầu của đề án, cá nhân tôi sẽ tham dự các tiết học, học cùng các em. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ lắng nghe góp ý của phụ huynh, của học sinh; xem xét về phân bổ thời gian học trực tuyến, học trực tiếp. Sau tiếng Hàn, chúng ta có thể triển khai tiếng Nhật, tiếng Hoa. Đây đều là những ngoại ngữ mà học sinh có nhu cầu học”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202410/chinh-thuc-day-tieng-han-trong-truong-pho-thong-4130c42/