Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Đầu tư cho hội nhập

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác.

Cuối tuần qua, ngành nông nghiệp Việt Nam nhận được 2 thông tin đáng phấn khởi. Đó là, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam. Theo đó, có 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá bằng 0%. Thông tin thứ hai từ Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia chính thức công bố các điều kiện nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam. Đây không chỉ là tin vui với người sản xuất mà còn gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Một vấn đề tồn tại lâu nay của ngành nông nghiệp Việt Nam là tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Theo dõi nhiều diễn đàn, hội thảo kinh tế, các cuộc tiếp xúc giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với các đơn vị, doanh nghiệp, người dân, đa phần các kiến nghị đều tập trung vào việc hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này cho thấy, tiêu thụ sản phẩm là một trong những nút thắt quan trọng của ngành nông nghiệp.

Thực tế hiện nay, đa phần người dân sản xuất theo kinh nghiệm, chưa tiếp cận, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nên chủ yếu tiêu thụ trong nước, nếu có xuất khẩu thì thích chọn con đường tiểu ngạch dễ dàng hơn nhưng cũng đầy rủi ro, vì thiếu ràng buộc pháp lý. Câu chuyện dưa hấu, thanh long dồn ứ tại các cửa khẩu phía bắc thời gian qua là minh chứng.

Trở lại chuyện quả nhãn được Australia công bố các điều kiện nhập khẩu, để có kết quả này, người trồng nhãn đã có quá trình chuẩn bị từ việc tổ chức vùng sản xuất có quy mô lớn, thực hiện các quy trình trồng an toàn, quy trình sơ chế, bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế… Với việc hưởng thuế bán phá giá con tôm bằng 0% lại cho thấy một quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, người nuôi tôm và các cơ quan chức năng Việt Nam với phía đối tác Hoa Kỳ. Đây sẽ là điều thường gặp khi tham gia vào thị trường thế giới, chúng ta phải sẵn sàng đối mặt và biết cách bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Đây là thị trường có dư địa rất lớn khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Để đón được cơ hội này, rõ ràng chúng ta cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ, nhưng phải trọng tâm, trọng điểm chứ không thể đầu tư dàn trải. Với Thừa Thiên Huế, hiện tỉnh có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng chọn loại cây trồng, vật nuôi gì đầu tư để vừa tận dụng được cơ hội, vừa tạo lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế là điều cần tính toán kỹ. Chẳng hạn, trồng và chế biến gỗ rừng trồng là ngành có nhiều tác động khi diện tích rừng trồng lớn, có các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Cái cần đầu tư chính là hỗ trợ thành lập Hội Chủ rừng phát triển bền vững để phát triển diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC. Đây chính là “chìa khóa” để xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ vào thị trường châu Âu. Hoặc với cây đặc sản, thanh trà là loại có giá trị và mang tính đặc trưng riêng. Nhưng muốn xuất khẩu thì trước hết phải quy hoạch vùng trồng đủ lớn, áp dụng các quy trình trồng tiên tiến và xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này…

Giải bài toán trên, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc…

Hoàng Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/dau-tu-cho-hoi-nhap-a76514.html