Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Nỗi đau 'thăng hạng'
Như khối u trong cơ thể, không cách nào khác là phải giải phẫu để cắt bỏ. Thà một lần đau, nhưng có như vậy cơ thể ấy mới có thể lành bệnh...
Sau khi kết luận điều tra vụ đại án Mobifone - AVG được tiết lộ cho báo chí, dù đã chuẩn bị trước tâm lý, nhưng không ít người đã cảm thấy sốc khi 2 ông cựu bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông thú nhận đã nhận khoản hối lộ 3 triệu USD và 200.000 USD. Tuy nhiều người vẫn chưa tin đó là con số thực nhận của 2 ông cựu bộ trưởng, song chỉ chừng ấy thôi cũng đã khiến thiên hạ choáng váng. Báo chí nước ngoài cũng nhân đây mà nhận xét rằng, nạn tham nhũng của Việt Nam đã nâng lên tầm cỡ “quốc tế” (!).
Thông thường, nghe thăng hạng là vui mừng, hạnh phúc. Nhưng trong trường hợp này, sự thăng hạng khiến người ta đau đớn. Đất nước đang còn nhiều khó khăn. Trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang phải tính toán, chắt chiu từng nguồn lực; cùng lao tâm khổ tứ cho mục tiêu giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, thì trong hàng ngũ những người từng được xem là “hạt nhân”, là “ưu tú” lại nảy nòi những con sâu dân mọt nước thế ấy, hỏi làm sao không đau, không giận!
Không chỉ đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ của khóa VII (tháng 1/1994) Đảng ta mới chỉ ra 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ nạn tham nhũng, để mà cảnh báo và chủ động đấu tranh, phòng ngừa. Mà ngay trong những ngày đầu cách mạng, Đảng và Hồ Chủ tịch đã quyết không dung túng cho những hành vi sâu mọt ấy. Vụ án Trần Dụ Châu là một minh chứng.
Đất nước ngày càng phát triển, của cải vật chất làm ra ngày mỗi nhiều, và như lẽ thường tình, “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”, những người thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện đã không thoát được vòng xoáy này. Họ đã đục khoét, đã “ăn cắp”, đã tàn hại nhiều thành quả mà Đảng ta, Nhân dân ta đã phải phấn đấu, nỗ lực bền bỉ mới đạt được. Hành vi đó làm xói mòn niềm tin xã hội, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta, chính vì thế đã làm nức lòng người. “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”, “Chống tham nhũng, ai nhụt chí hãy dẹp sang bên để người khác làm”, “Loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng khỏi bộ máy”… Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm của Đảng ta như vậy.
Và không chỉ nói, hàng loạt đại án, hàng loạt quan tham từ hàng tướng tá, thứ trưởng, bộ trưởng, cho đến phó thủ tướng, ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị… đã “nhúng chàm” thì đều phải trả giá! Cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng là không có “vùng cấm”. Đau đấy, mất cán bộ đấy, nhưng như khối u trong cơ thể, không cách nào khác là phải giải phẫu để cắt bỏ. Thà một lần đau, nhưng có như vậy cơ thể ấy mới có thể lành bệnh và khỏe mạnh lên được.
Những vụ việc vừa qua là bài học xương máu đối với công tác giáo dục, đào tạo, lựa chọn, đề bạt cán bộ. Phải có con mắt thật tinh tường, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ và thực chất, phải thực sự phát huy dân chủ, phát huy “tai mắt” của Nhân dân trong việc tuyển chọn, cất nhắc, đề bạt, sử dụng cán bộ; làm sao để người cán bộ khi nhậm chức phải biết tự trọng, biết đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của chế độ lên trên hết, chứ không phải “có ghế” là lập tức chăm chăm nghĩ về vun vén cho bản thân. Nỗi đau “thăng hạng” vì thế là lời cảnh tỉnh đắt giá.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/noi-dau-thang-hang-a77233.html