'Chôn chân' ở nơi ngắm chim lý tưởng nhất Việt Nam
Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang đang vào mùa đẹp nhất nên nhiều nhà xem chim từ khắp nơi đổ về, 'ăn dầm nằm dề' với hy vọng săn được ảnh độc về những loài chim đặc hữu.
Lang Biang được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (DTSQTG) vào giữa năm 2015, được Birdlife International xác định là 1 trong 5 khu vực chim đặc hữu tại Đông Dương, một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới.
Việt Nam có 13 loài chim đặc hữu thì Lâm Đồng sở hữu tới 7 loài gồm Mi Langbiang, Khướu đầu đen, Khướu hông đỏ, Lách tách ngực nâu, Sẻ thông họng vàng, Chích chạch má xám và Khướu đầu đen má xám.
Sẻ thông họng vàng. Ảnh: VQG Bidoup-Núi Bà
Hiện Lang Biang đang vào mùa khô, trời tạnh ráo, cây cối tốt tươi, đua nhau đơm bông, kết trái. Các loài chim khoe tiếng hót hay nhất, những bộ lông đẹp nhất, điệu múa quyến rũ nhất để tìm bạn, kết đôi. Nhiều nhà người ngắm chim “chôn chân” ở đây với hy vọng được nghe các loài chim quý khoe giọng hót và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng.
Tiến sĩ Nguyễn Cử, chuyên gia nghiên cứu về chim từng làm việc ở Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật, cho biết không nhớ hết đã có bao nhiêu chuyến đi tìm các loài chim quý hiếm ở núi rừng Lâm Đồng, nhưng không bao giờ quên khoảnh khắc phát hiện ra Lách tách ngực nâu (phân loài khướu mới) hoặc phát hiện lại các loài đặc hữu như Khướu đầu đen, Khướu đầu đen má xám và đặc biệt là Mi langbiang, loài quý hiếm bậc nhất thế giới ngỡ đã tuyệt chủng hơn nửa thế kỷ qua.
Mi Langbiang được mô tả lần đầu bởi nhà quý tộc Thụy Điển Count Gyldenstople vào năm 1939. Vì loài đặc hữu này được phát hiện lần đầu trên đỉnh núi Lang Biang nên ông đã lấy tên núi để đặt cho chim.
Sau hơn nửa thế kỷ không có thêm phát hiện nào về loài này, cứ ngỡ chúng đã tuyệt chủng. Mãi đến năm 1994, sau nhiều lần khảo sát, nhóm nghiên cứu đã lần theo nơi phát ra tiếng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm rất cuốn hút và sững sờ khi nhìn thấy Mi Langbiang. Loài chim này nằm trong danh sách loài nguy cấp (E), có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà, cho hay VQG này có đến 127 loài chim có tên trong Sách đỏ của IUCN và Sách đỏ Việt Nam; thành phần và cấu trúc khu hệ chim có nhiều điểm khác biệt so với những khu hệ chim rừng ở vùng đồng bằng, bình nguyên, vùng chân núi khác của Việt Nam. Vì vậy, nơi đây trở thành điểm đến ưa thích của các nhà điểu học và người đam mê ngắm chim.
Họ thường thức dậy rất sớm, lắng nghe tiếng chim hót từ 4 giờ sáng rồi tìm kiếm chim ngay sau khi mặt trời mọc cho đến gần trưa. Vào buổi chiều, thời điểm lý tưởng để lần theo tiếng chim hót là từ 16 giờ cho đến tối. Riêng với những loài chim ăn đêm thì âm thầm theo dõi trong bóng tối.
Khướu đầu xám. Ảnh: VQG Bidoup-Núi Bà
Khi gặp những giống chim khó quan sát thì phát băng ghi âm giọng hót của cá thể cùng loài để dụ chim tới thật gần và phải ghi âm giọng hót quyến rũ của chim trống gọi mái bởi nếu âm thanh thể hiện tâm trạng hoảng loạn, chim hoang dã sẽ không xuất hiện.
Vốn mê tiếng hót lanh lảnh của khướu đầu đen má xám, ông Hương chia sẻ: Loài chim này rất đẹp; đầu có lông màu đen, má màu xám; toàn bộ phần cổ, ngực, bụng và một phần cánh, đuôi có lông màu vàng. Rất khó để chụp được ảnh bởi chúng thường xuyên di chuyển, nhảy nhót trên cây và luôn bị che khuất bởi lá cây trong rừng rậm nguyên sinh.