Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Xử lý dứt điểm các ổ dịch và khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, bùng phát, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách, đồng bộ, cơ bản khoanh vùng, ngăn chặn được dịch bệnh.

Đầu năm 2022, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh và tái dịch tại 16 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh, với hơn 400 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy. Đến nay, còn 6 xã thuộc các huyện: Yên Châu, Vân Hồ, Sông Mã và Bắc Yên chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch, không có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình về biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nâng đề kháng cho đàn lợn; yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không để lây lan.

Mô hình nuôi lợn nái an toàn sinh học của nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Mô hình nuôi lợn nái an toàn sinh học của nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Tại huyện Yên Châu, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh và tái dịch tại 5 bản của 4 xã với 95 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Hiện, đã có 1 xã qua 21 ngày không phát sinh ca lợn mắc bệnh mới, còn 3 xã có ổ dịch chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch. Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Ngay khi phát sinh các ổ dịch, huyện đã phân bổ, cấp hóa chất và vôi bột cho các hộ chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại tránh để lây lan diện rộng, thiệt hại đến tài sản của nông dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết thực hiện 5 không với các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã, thị trấn với nội dung không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn.

Còn tại huyện Vân Hồ, hiện chỉ còn một ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Lóng Luông. Hầu hết các xã đã làm tốt tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học, hạn chế không để mầm bệnh lây lan. Đồng thời, chủ động nắm tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, thông tin, báo cáo kịp thời đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở xã khi phát sinh các ca bệnh mới, hướng dẫn các hộ thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Đặc biệt, không mua bán, trao đổi, vận chuyển gia súc mắc bệnh ở vùng dịch sang các địa phương lân cận. Do đó, công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm an toàn sinh học của nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm an toàn sinh học của nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, chia sẻ: Khắc phục những hạn chế, các xã đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức nông dân và nhất là các hộ chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh động vật. Yêu cầu các hộ chăn nuôi giám sát lẫn nhau, chủ động thông tin lên xã những trường hợp không báo tình hình dịch bệnh phát sinh, vận chuyển, trao đổi gia súc mắc bệnh ra khỏi địa bàn để kịp thời ngăn chặn. Với cách làm này, đã phát hiện, ngăn chặn không để mầm bệnh phát tán.

Bám sát và theo dõi tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, trong năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đề nghị các huyện, thành phố thành lập đoàn công tác có cán bộ thú y trực tiếp đến các xã, bản có bệnh dịch tả lợn châu Phi để xử lý ổ dịch. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các xã, thị trấn giám sát lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, khuyến cáo việc sử dụng vắc-xin phù hợp với tình hình dịch bệnh... Đặc biệt, đã tăng cường tuyên truyền tới người chăn nuôi nâng cao ý thức, thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật ra, vào địa bàn... Chi cục đã cung ứng 65 lít hóa chất và gần 1,3 tấn vôi bột cho các xã phát sinh và tái dịch thực hiện khử trùng, vệ sinh chuồng trại.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, cho biết: Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đang nghiên cứu điều chế và kiểm nghiệm vắc-xin phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Chi cục sẽ tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng bằng hình thức xã hội hóa; đồng thời, có những hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể về việc tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.

Phương pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng hữu hiệu và tiết kiệm nhất hiện nay là áp dụng các phương thức chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, hạn chế rủi do trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-48600