Chủ quan không xác minh đối tác, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Anh có nguy cơ rủi ro cao
Ông Nguyễn Cảnh Cường- cựu Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh cho biết, có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam chủ quan, giao thương với đối tác đã sắp phá sản.
Chia sẻ tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 30-10, ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài.
Ví dụ từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, cơ sở dữ liệu của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển của Bộ Ngoại giao Hà Lan.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được miễn phí các nguồn thông tin chi tiết sâu, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Anh ở trên trang thông tin companieshouse.gov.uk. Tất cả các doanh nghiệp Anh đều phải đăng ký ở trên đó.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết thêm, việc đầu tiên cần làm là truy cập trang này để xác minh xem đối tác mình đang giao dịch có đăng ký không, có tồn tại không; có đang hoạt động không; người đang giao dịch với mình có phải là giám đốc hay người có thẩm quyền để giao dịch với mình hay không.
“Tôi đã từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam vì không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt mười năm làm việc cùng tương đối thuận buồm xuôi gió nhưng không biết tình hình sức khỏe tài chính của bạn hàng Anh đã có thay đổi, vẫn làm, vẫn tin tưởng, vẫn cho bạn hàng của mình trả chậm, thậm chí cho giao hàng trước trả tiền sau mà không biết rằng đối tác mấy năm qua của mình đang sắp sửa phá sản rồi.
Hay người giám đốc mình quen biết 10 năm qua đã bị mất chức rồi mà vẫn tiếp tục làm như mọi khi, để tự đưa mình vào tình thế tổn thất rất lớn và rủi ro rất cao”- ông Nguyễn Cảnh Cường nói.
Do đó, không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của khách hàng, đối tác, kể cả khách hàng, đối tác truyền thống để không đưa mình vào những tình huống rủi ro và tổn thất lớn.
Theo ông Vũ Việt Thành- Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ năm 2021, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đã trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Rõ nhất là tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định UKVFTA.
Sau hơn 3 năm triển khai thực thi hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng liên tục và ổn định. Cuối năm 2023, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường mũi nhọn ở khu vực Châu Âu giảm chưa từng có tiền lệ, đều giảm ở mức hai con số. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định.
Nếu tính trong cả 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.
“Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng đầu năm.
Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng qua cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm ngoái”- ông Vũ Việt Thành thông tin.
Mặt khác, theo đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA với các lệnh gỡ bỏ thuế quan triệt để cũng góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh.
Theo số liệu chúng tôi tổng hợp được từ ITC's Trade Map, hiện nay có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Anh.
Ví dụ, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê; thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6. Trong năm 2023 vừa qua, với những nỗ lực của rất nhiều những cơ quan hữu quan trong nước đã đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch của thị trường Anh, như: cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng.
Cùng với đó, chúng ta cũng kiên trì làm việc với nỗ lực rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Anh, đã giúp cho sản phẩm thanh long của Việt Nam tiếp tục được lưu thông bình thường trên thị trường.
Đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, thông tin doanh nghiệp, đối tác, tránh trường hợp bị lừa đảo, gian lận trong giao thương; Cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm….
Đồng thời, cần xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm; có kế hoạch bài bản để nghiên cứu chuyên sâu về thị hiếu, xu hướng thị trường.