Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói gì khi đến TP HCM?

Công nghệ số, AI và tự động hóa đang biến đổi các ngành công nghiệp, tái định hình thương mại... theo những cách chưa từng có.

Đây là chia sẻ của Giáo sư (GS) Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF), với hơn 1.200 khách mời là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM tại buổi gặp gỡ với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ", vào sáng 6-10 ở TP HCM.

Trong chuyến thăm và làm việc tại TP HCM trong ngày 5 và 6-10, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã có nhiều hoạt động như chào xã giao lãnh đạo thành phố, phát biểu tại buổi nói chuyện với giới trẻ, làm việc với Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR)…

Chủ tịch sáng lập WEF chia sẻ về kinh tế tri thức với hơn 1.200 khách mời là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM

Chủ tịch sáng lập WEF chia sẻ về kinh tế tri thức với hơn 1.200 khách mời là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM

Phát biểu tại buổi chia sẻ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP HCM đang trong quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi nền kinh tế dựa trên yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức. Nhìn nhận chủ đề đối thoại rất là thiết thực, không chỉ đối với các nhà trí thức, các doanh nhân, sinh viên mà sẽ rất là hữu ích cho TP. Cuộc đối thoại này nhằm tìm kiếm định hướng và giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu này.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết trong buổi làm việc với Giáo sư Klaus Schwab hôm 5-10, lãnh đạo thành phố bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới thông qua thúc đẩy đưa hoạt động của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa thành lập và hoạt động có hiệu quả để TP HCM sẽ là thành phố toàn cầu, thành phố học tập, là trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Á và châu lục.

Quá trình chuyển đổi sang thời đại được GS Klaus Schwab gọi là Kỷ nguyên Trí tuệ, dựa trên những đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi mà công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa tiên tiến đang biến đổi các ngành công nghiệp, tái định hình thương mại và tác động đến cấu trúc xã hội theo những cách chưa từng có.

Việt Nam, một quốc gia có nền văn hóa phong phú và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển đổi này.

GS Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP HCM

GS Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP HCM

"Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của quốc gia này. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào Kỷ nguyên Trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình" - GS Klaus Schwab nói.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất, nhưng đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể. Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào tốp 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025, là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nước này.

GS Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP HCM, bày tỏ hân hạnh là một phần trong sự phát triển của TP HCM. Trung tâm các mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) là cơ hội để WEF và TP HCM có cơ hội tăng cường hợp tác, đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi xanh.

Thái Phương - Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-dien-dan-kinh-te-the-gioi-noi-gi-khi-den-tp-hcm-196241006130826157.htm