Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta

Tự hào về dân tộc và nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, chúng ta càng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta.

Người đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một sự nghiệp vẻ vang, một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và một tấm gương trong sáng, mẫu mực, trọn đời phấn đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

 Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh Tư liệu TTXVN

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh Tư liệu TTXVN

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Nguyễn Ái Quốc) đã rút ra một kết luận rằng: Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trên toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc là bước thứ nhất, bước tiếp theo là tiến lên chủ nghĩa xã hội nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là con đường giải phóng triệt để nhất phù hợp với đòi hỏi của dân tộc, nguyện vọng của nhân dân và xu thế của thời đại.

Cũng từ đây Người nhận thức được một điều có tính chân lí: Cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Ðây cũng là thời kì Người tích cực chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời Ðảng Cộng sản ở Việt Nam.

Nếu từ năm 1921 đến cuối năm 1924, chủ yếu Người chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng, thì từ năm 1925 trở đi, Người chú trọng về mặt tổ chức. Trước hết, Người thành lập một tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản, đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, hạt nhân là Cộng sản đoàn. Người mở lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ này sau khi nắm được những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, trở về nước thâm nhập phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thực hiện “vô sản hóa”. Nhờ thấm nhuần tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại, phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ “tự phát” sang “tự giác” mà một nội dung có ý nghĩa quan trọng là giai cấp công nhân đã giác ngộ về chủ nghĩa Marx-Lenin và đường lối cách mạng vô sản, giác ngộ về sự cần thiết phải có Ðảng Cộng sản.

Ðến giữa năm 1929 đầu 1930, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản. Hồ Chí Minh nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thống nhất các tổ chức cộng sản trước yêu cầu lịch sử mới. Người đã tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Ðảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt trọng đại cho cách mạng Việt Nam.

 Làng Sen quê Bác. Ảnh: TL

Làng Sen quê Bác. Ảnh: TL

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh, là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới về sau trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ ngay từ đầu Ðảng đã bắt rễ sâu trong lòng dân tộc và sự trưởng thành, vững mạnh của Ðảng là cuộc đồng hành với dân tộc. Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Marx-Lenin. Vì vậy, trong công tác xây dựng Ðảng, Người luôn quan tâm tới sự gắn bó vấn đề giai cấp và dân tộc, làm cho Ðảng luôn giữ vững được tính giai cấp, tính tiền phong và tính quần chúng.

Theo Lenin, là một đảng cách mạng, đảng chân chính thì phải theo một lí luận cách mạng tiền phong, vì “không có lí luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Ðảng ta phải lấy chủ nghĩa Marx-Lenin “làm cốt”. Ðây là học thuyết chân chính nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất; học thuyết về sự giải phóng và về sự phát triển. “Ðảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Ðảng ta mang bản chất giai cấp công nhân. Ðồng thời, người cộng sản có vinh dự to lớn là mọi người Việt Nam yêu nước, dù đảng viên hay không phải đảng viên đều tự hào gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam là “Ðảng ta”, “Ðảng của mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Ðảng với dân. Ðảng lãnh đạo, dân làm chủ, Ðảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong điều kiện Ðảng cầm quyền, tức là Ðảng trực tiếp lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo Nhà nước, thì Ðảng phải lấy dân làm gốc; phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân. Nội dung Ðảng gắn bó với dân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là biết lắng nghe ý kiến của dân, học hỏi dân, khai thác và chắt lọc trí tuệ của dân, chăm lo lợi ích cho cả dân tộc. “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Ðảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.

 Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) -nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh TTXVN

Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) -nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Ðảng theo những nguyên tắc Ðảng kiểu mới của giai cấp vô sản, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Lenin coi đây là thước đo quan trọng nhất để đánh giá một đảng có thật sự cách mạng, chân chính hay không. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh nguyên tắc hàng đầu này, trước hết ở sự gắn bó và thống nhất của hai mặt dân chủ và tập trung trong một nguyên tắc. Tập trung phải trên cơ sở của dân chủ. Ngược lại, nếu dân chủ mà không tập trung thì Ðảng không có sức mạnh. Nguyên tắc tập trung dân chủ làm cho Ðảng vừa phát huy được trí tuệ, vừa tập trung thống nhất ý chí hành động của đảng viên, làm cho “Ðảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”. Gắn liền với nguyên tắc này là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; là tự phê bình và phê bình. Ðây là ba trụ cột thuộc vấn đề tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt trong công tác xây dựng Ðảng.

Trong quá trình rèn luyện Ðảng ta, Hồ Chí Minh cũng thường xuyên quan tâm tới tư cách đảng viên và vấn đề cán bộ. Trên cơ sở đánh giá cao vai trò của cán bộ, đảng viên, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân như việc rửa mặt hằng ngày, trên cả hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau đức và tài, lấy đức làm gốc. Bởi vì nếu không có đạo đức cách mạng thì cũng giống như “sông không có nguồn, cây không có gốc”. Ðặc biệt, “vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Ðảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Tất cả những vấn đề nêu trên, ở một cách tiếp cận khác, đó là một quá trình Ðảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nhằm làm cho Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðây chính là vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta phải đặc biệt chú trọng.

Tự hào về Ðảng ta, Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Ðảng của một dân tộc anh hùng, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, Ðảng sẽ lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu cao đẹp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PGS. TS Bùi Ðình Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145602