Chú trọng đối thoại với người lao động

Trong 5 năm qua, công đoàn các cấp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại. Từ đó phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Đối thoại là việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động hoặc đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các bên để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc. Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đơn vị, doanh nghiệp được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm phối hợp với chính quyền, lãnh đạo đơn vị để tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc có nhiều chuyển biến tích cực với 85,4% công đoàn cơ sở ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Với chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, vào tháng 5 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động. Qua hội nghị, đoàn viên, công nhân lao động đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, tình trạng tín dụng đen trong công nhân, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội… Những vấn đề này được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan lắng nghe, chia sẻ và từng bước giải quyết để chung tay tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động. Ảnh: THIỆN HẢI

Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động. Ảnh: THIỆN HẢI

Ở cấp cơ sở, công đoàn cũng tích cực triển khai xây dựng kế hoạch đối thoại tại nơi làm việc nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ. Tại Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, công ty luôn ban hành quy chế đối thoại định kỳ và phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch đối thoại hằng năm. Nội dung đối thoại tập trung vào các vấn đề như: công tác phát triển sản xuất, điều kiện làm việc, chế độ chính sách, một số nội dung mà các bên quan tâm… Theo lãnh đạo Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, số lượng ý kiến tham gia đối thoại bình quân hằng năm tại công ty và các đơn vị trực thuộc khoảng 30 lượt, thông qua việc công ty thành lập đoàn phối hợp kiểm tra và lắng nghe ý kiến của người lao động tại các đơn vị cấp nước ở huyện. Sau đó, tổng hợp báo cáo các ý kiến, kiến nghị đến người sử dụng lao động và tất cả đều được trả lời, giải đáp thỏa đáng.

Công tác đối thoại định kỳ trong nhiều năm qua đã phát huy tính dân chủ, tình hình thuận lợi, khó khăn cũng được truyền tải tốt hơn đến người lao động. Những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của người lao động được giải quyết, làm rõ nên đã giúp cho mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được hài hòa, ổn định. Từ đó, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người lao động.

Công nhân lao động nêu ý kiến tại hội nghị gặp mặt, đối thoại. Ảnh: THIỆN HẢI

Công nhân lao động nêu ý kiến tại hội nghị gặp mặt, đối thoại. Ảnh: THIỆN HẢI

Các kiến nghị, đề xuất được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở sẽ hạn chế những bức xúc và ngăn chặn không để xảy ra trường hợp người lao động khiếu nại vượt cấp. Với tầm quan trọng của công tác đối thoại, nhiều đơn vị đã quan tâm đến chất lượng cũng như bổ sung kỹ năng cho các cán bộ công đoàn. Theo lãnh đạo Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luckytex Sóc Trăng, để nâng cao chất lượng đối thoại, thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty cử 15 lượt cán bộ công đoàn dự các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng đối thoại và thương lượng tập thể, các nội dung công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc do công đoàn cấp trên tổ chức. Công đoàn còn phát tài liệu cho các cán bộ, đoàn viên, người lao động nhằm nâng cao hiểu biết tất cả về đối thoại tại nơi làm việc.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là nhiệm vụ quan trọng, giúp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua công tác đối thoại với người lao động đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/doan-the/chu-trong-doi-thoai-voi-nguoi-lao-dong-69153.html