Chứng khoán Mỹ hồi mạnh sau khi báo cáo PPI được công bố

Chứng khoán Mỹ đóng cửa cao hơn vào 11/4 với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu khi dữ liệu kinh tế mới làm nhen nhóm hy vọng rằng lạm phát vẫn có xu hướng hạ nhiệt…

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 2,43 điểm (-0,01%) xuống 38.459,08 điểm, S&P 500 thêm 38,42 điểm (+0,74) thành 5.199,06 điểm và Nasdaq Composite tăng 271,84 điểm (+1,68%) lên 16.442,20 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, công nghệ dẫn đầu, trong khi cổ phiếu tài chính lại tụt hậu.

Chỉ số FANG+ của các cổ phiếu động lượng megacap hoạt động vượt trội, tăng 2,6%.

Các công ty công nghệ lớn đi đầu thị trường rộng lớn hơn, được hỗ trợ bởi mức tăng hơn 4% của Apple Inc theo sau báo cáo của Bloomberg rằng “gã khổng lồ” công nghệ đang tìm cách tăng doanh số bán Macbook bằng cách tập trung vào bản nâng cấp tiếp theo với chip trí tuệ nhân tạo.

Cổ phiếu Amazon đóng cửa ở mức cao kỷ lục sau khi Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy nói về cơ hội cho AWS khi điện toán đám mây được thiết lập để thúc đẩy mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo tổng hợp.

Nike Inc tăng hơn 3% sau khi Bank of America nâng xếp hạng cổ phiếu này từ trung lập lên mua vào, với lý do mức định giá hấp dẫn.

Rent the Runway “phi mã” 161,9% sau khi công ty cho thuê quần áo cho biết họ đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy tăng trưởng trong năm hiện tại.

Trong khi đó, CarMax giảm 9,2% do nhà bán lẻ xe đã qua sử dụng này bỏ lỡ ước tính của các nhà phân tích về kết quả quý 4 và có thể không đạt được mục tiêu bán xe dài hạn.

Globe Life mất 53,1% sau khi Fuzzy Panda Research tiết lộ một vị thế bán khống trong công ty, cáo buộc nhiều trường hợp gian lận bảo hiểm.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,39 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,48 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, chỉ số Giá sản xuất (PPI) thấp hơn dự kiến đã hỗ trợ cho nhận định rằng xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.

“Dữ liệu sáng nay ủng hộ kết quả “hạ cánh mềm” so với dữ liệu ngày hôm 10/4”, Brian Nick, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Viện Macro cho biết..

Vào thứ Tư, dữ liệu CPI nóng hơn dự kiến đã khiến chứng khoán giảm mạnh và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chuẩn vượt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Báo cáo đã dập tắt hy vọng rằng ngân hàng trung ương có thể thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và sớm nhất vào tháng 6.

“Có ý kiến cho rằng con số lạm phát mà Fed thực sự quan tâm - số PCE - sẽ không quá khủng khiếp như CPI. Những bộ phận chịu thiệt nhất trên thị trường ngày hôm qua đang có sự phục hồi một chút vào ngày hôm nay”, ông Brian Nick nói thêm.

Mặc dù dữ liệu PPI đáng khích lệ hơn, nhưng nó cũng chỉ ra rằng hành trình lạm phát hướng tới mục tiêu 2% hàng năm của ngân hàng trung ương Mỹ có thể còn dài và quá quanh co.

Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết có thể sẽ không cần thiết phải điều chỉnh chính sách tiền tệ trong thời gian ngắn,

Về phía mình, chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin nhận định, ngân hàng trung ương vẫn chưa tự tin rằng áp lực về giá sẽ tiếp tục giảm bớt.

“Các nhà đầu tư đang bắt đầu chấp nhận khả năng lạm phát có thể kéo dài thêm một chút và Fed sẽ tiếp tục kiên nhẫn, đó là lời nói quan trọng của họ lúc này”, Joseph Sroka, giám đốc đầu tư tại NovaPoint đánh giá.

Giới đầu tư hiện chuyển trọng tâm sang mùa thu nhập quý đầu tiên, với kết quả từ ba ngân hàng lớn của Mỹ là JPMorgan Chase & Co, Citigroup Inc và Wells Fargo & Co sẽ được công bố vào sáng 12/4.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ổn định ở mức thấp hơn vào 11/4 do dự đoán về sản lượng ngày càng tăng của các nước ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, sau khi dự trữ dầu thô tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 làm lu mờ các lo ngại về nguồn cung do căng thẳng địa chính trị.

Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 0,8% xuống 89,74 USD/thùng, dầu thô WTI giảm 1,4% xuống mức 85,02 USD/thùng.

“Chúng tôi cho rằng sẽ khó duy trì giá dầu Brent trên 90 USD trong nửa cuối năm 2424 nếu không có sự gián đoạn nguồn cung thực tế liên quan đến các sự kiện địa chính trị”, các nhà phân tích của Macquarie Group chia sẻ trong một lưu ý.

Trong khi đó, tồn kho dầu của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh sản lượng đạt kỷ lục mới. Dữ liệu chính thức cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng 5,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 5/4, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 0,9 triệu thùng, giữ nguồn cung ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.

Macquarie cảnh báo, việc tăng sản lượng ở các quốc gia ngoài OPEC có thể gây ra sự đảo chiều giá dầu trong nửa cuối năm nay, khi mối đe dọa tăng trưởng nguồn cung bổ sung từ công suất dự phòng của OPEC+ có thể xâm nhập thị trường.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-hoi-manh-sau-khi-bao-cao-ppi-duoc-cong-bo-post551428.html