Chứng khoán Mỹ tụt điểm trước ngày bầu cử, giá dầu tăng 3% vì quyết định của OPEC+
Các chỉ số đã giằng co trong suốt thời gian của phiên giao dịch, thể hiện tâm trạng bấp bênh của nhà đầu tư trước ngày cử tri Mỹ đi bỏ phiếu...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/11), khi nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho ngày bầu cử tổng thống và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất trong tuần này. Giá dầu thô tăng mạnh vì quyết định hoãn tăng sản lượng của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 257,59 điểm, tương đương giảm 0,61%, còn 41.794,6 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,28%, còn 5.712,69 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,33%, còn 18.179,98 điểm.
Các chỉ số đã giằng co trong suốt thời gian của phiên giao dịch, với Dow Jones có lúc mất hơn 400 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq liên tục dao động giữa hai trạng thái giảm và tăng. Điều này thể hiện tâm trạng bấp bênh của nhà đầu tư trước ngày cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu Nhà Trắng trong 4 năm tới.
Giới phân tích nhận định kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc quyết định chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2024 ở mức điểm bao nhiêu. Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất từ hãng tin NBC News cho thấy ở thời điểm hiện tại, cơ hội thắng cử của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris là ngang bằng, phản ánh một cuộc đua khốc liệt và khó lường.
Nhà kinh tế trưởng Lauren Goodwin của công ty New York Life Investments nói với hãng tin CNBC rằng nhà đầu tư có vẻ như muốn phản ánh vào giá cổ phiếu bất kỳ một thay đổi nào dù nhỏ nhất trong cơ hội thắng cử của mỗi ứng cử viên.
“Cuộc bầu cử này quá sát nút để dự báo người thắng. Tôi hay bất kỳ ai đều không dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Bởi vậy, thị trường đang có những diễn biến giằng co theo hai chiều hướng”, bà Goodwin nói.
Diễn biến thị trường sau bầu cử sẽ tùy thuộc nhiều vào việc đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ. Những thay đổi lớn về luật sẽ khó được thông qua nếu mỗi đảng chiếm đa số trong một viện Quốc hội là Thượng viện hoặc Hạ viện. Tuy nhiên, nếu một trong hai đảng giành quyền kiểm soát cả hai viện, cộng thêm đảng đó giành được cả Nhà Trắng, kết quả đó đồng nghĩa sẽ có những kế hoạch tham vọng về chi tiêu hoặc cải tổ chính sách thuế.
Về cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Năm của Fed, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 99,5% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Cổ phiếu Nvidia tăng nhẹ đã giữ vai trò ổn định thị trường trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Mức tăng của Nvidia khi chốt phiên là 0,5% - kết quả có được sau khi nhà cung cấp chỉ số S&P Dow Jones Indices tuyên bố vào hôm thứ Sáu tuần trước rằng Nvidia sẽ thay thế đối thủ Intel trong chỉ số Dow Jones. Thay đổi này bắt đầu có hiệu lực vào cuối tuần vừa rồi, diễn ra trong bối cảnh Nvidia tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong khi Intel bị đuối trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Nvidia đã tăng 174%, trong khi cổ phiếu Intel giảm hơn một nửa.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,98 USD/thùng, tương đương tăng 2,71%, chốt ở mức 75,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,98 USD/thùng, tương đương tăng 2,85%, chốt ở 71,47 USD/thùng.
Hôm Chủ nhật, OPEC+ đưa ra quyết định trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng, theo đó các thành viên của nhóm đang thực thi chương trình giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày sẽ duy trì chương trình cho tới hết tháng 12 năm nay.
OPEC+ vốn dĩ có kế hoạch nâng sản lượng 180.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 10, sau đó trì hoãn đến tháng 11, và giờ là hoãn tới hết tháng 12.
Nguyên nhân của sự trì hoãn này là giá dầu đương đầu áp lực giảm do triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi, nhất là kinh tế Trung Quốc. Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng gần đây, nhưng phần bù rủi ro địa chính trị trong giá dầu nhanh chóng giảm trở lại mỗi khi căng thẳng có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, việc sản lượng dầu của Mỹ liên tục lập kỷ lục mới cũng gây sức ép giảm giá lên dầu.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm khoảng 4% và giá dầu WTI giảm khoảng 3%. Tuần này, các sự kiện có thể tác động tới diễn biến giá dầu bao gồm bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Năm của Fed, và việc Trung Quốc có thể công bố gói kích cầu bằng chính sách tài khóa.
“Xét tới mối lo về tăng trưởng kinh tế vẫn còn đó, chúng tôi tin rằng OPEC+ muốn biết thêm về tác động kinh tế của việc hạ lãi suất ở Mỹ và kích cầu ở Trung Quốc. OPEC+ cũng muốn chờ cho qua bầu cử tổng thống Mỹ và chờ các nước thành viên khai thác dầu nhiều hơn hạn ngạch trong thời gian qua điều chỉnh về đúng hạn ngạch được phân bổ”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói với hãng tin Reuters.