Chúng ta đang thiếu một vị 'thuyền trưởng' để chèo lái bộ môn Ngữ văn

Nếu không có một vị 'thuyền trưởng' xứng tầm, cho dù có đổi mới về dạy và học, kiểm tra, thi cử thì cũng rất khó để có thể cải thiện chất lượng bộ môn Ngữ văn.

Chất lượng môn Ngữ văn không như kì vọng

Vừa qua, bài viết “Môn Ngữ văn đang có rất nhiều lợi thế, sao chất lượng lại chưa đạt được kỳ vọng?” của tác giả Thanh An đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên giảng dạy Ngữ văn, kể cả cấp quản lí. [1]

Theo tác giả bài viết, số lượng người có học hàm, học vị ở chuyên ngành Ngữ văn hiện nay đang chiếm ưu thế so với các ngành học khác.

Bên cạnh đó, môn Ngữ văn cũng là môn cơ bản được chú trọng giảng dạy trong các trường phổ thông và đây cũng là môn có nhiều tiết học nhất trong năm.

Cần nâng cao vai trò của việc dạy và học môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Cần nâng cao vai trò của việc dạy và học môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Đặc biệt, môn Ngữ văn cũng là 1 trong 3 môn thi bắt buộc trong 2 kỳ thi quan trọng của giáo dục phổ thông là thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông quốc gia.

Thế nhưng, nhìn vào kết quả thi của 2 kì thi quan trọng này, đặc biệt có hàng ngàn điểm liệt môn Ngữ văn ở kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua đã cho thấy, chất lượng bộ môn chưa đảm bảo.

Và tác giả Thanh An đặt nghi vấn, “phải chăng chúng ta đang thiếu một vị ‘thuyền trưởng’ để chèo lái cho môn học này đi lên?”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của tác giả bài viết và xin đóng góp thêm ý kiến về việc ra đề kiểm tra, đề thi đối với môn Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay.

Gây tranh cãi nhất vẫn là đề Ngữ văn

Thời gian qua, một số đề kiểm tra cho đến đề thi Ngữ văn đã gây nhiều tranh cãi gay gắt từ dư luận xã hội, cụ thể là phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên giảng dạy bộ môn này.

Nhìn chung, có 2 vấn đề gây tranh cãi, đó là ra đề sai và đề dở. Chúng tôi chỉ lấy một số dẫn chứng tiêu biểu qua các kì thi quan trọng.

Chẳng hạn như, Trường trung học phổ thông Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, đưa hiện tượng Khá “bảnh” với đời tư bất hảo vào câu nghị luận xã hội của đề thi học sinh giỏi khối 11. [2]

Ngay sau đó, Trường trung học phổ thông Mường Bú, tỉnh Sơn La đưa nhân vật Khá “bảnh” vào phần đọc hiểu của đề kiểm tra học kì 2 cho khối 12. [3]

Để rộng đường dư luận và mang tính khách quan, chúng tôi đã hỏi ý kiến của một số thầy cô giảng dạy môn Ngữ văn về đề ra theo dạng này thì được biết:

Thầy Trần Lê Duy, giáo viên giảng dạy Ngữ văn ở Trường trung học thực hành – Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh bình luận:

“Theo tôi, đề thi mở là tốt nhưng vẫn phải định hướng và có tính giáo dục, nhất là với sự việc như Khá “bảnh”.

Đề thi có thể đặt một hiện tượng tích cực bên cạnh một hiện tượng tiêu cực rồi yêu cầu học sinh lựa chọn giải pháp, nhưng phải có định hướng”.

Còn Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, thuộc Hệ thống giáo dục Học Mãi, thành phố Hà Nội khẳng định, cô không bao giờ chọn những đề như thế này vì có nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Nhà trường là một môi trường mô phạm và đề thi nói chung cũng như đề văn nói riêng, văn bản đòi hỏi phải có tính quy phạm, tính chuẩn mực.

Hơn nữa, một trong những con đường để hướng đến mục đích giáo dục, đó là học trò phải hiểu được giá trị chân - thiện - mỹ qua mỗi đề văn.

Việc đưa Khá “bảnh” vào đề thi, vô hình trung chúng ta đã cấp thêm một tầm vóc không đáng có cho những hiện tượng, cho những giá trị chưa đủ tầm”, cô Tuyết nêu quan điểm.

Hay, câu tiếng Việt trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Trường trung học phổ thông chuyên, tỉnh Thái Bình cũng gây tranh cãi kịch liệt.

Theo đó, câu hỏi này yêu cầu thí sinh nêu và phân tích tác dụng của biện pháp nhân hóa trong hai câu thơ: “Trời xanh càng rộng càng cao/Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”. [4]

Ngay sau đó, dư luận, cụ thể là cộng đồng mạng xã hội chia làm 2 phe, một bên khẳng định, câu thơ “Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không” có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Một bên lại nhất quyết không chịu, vì câu thơ này không hề có sự xuất hiện của biện pháp nhân hóa mà đề lại yêu cầu phân tích.

Và đáp án của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình ghi rõ: Biện pháp tu từ nhân hóa “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”. Tác dụng làm cho hình ảnh chiếc diều sáo trở nên sinh động, gần gũi, đáng yêu, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.

Thú thực, chúng tôi là người có kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn nhưng cũng bán tín bán nghi về đáp án của Sở Giáo dục.

Chúng tôi hỏi ý kiến của 3 người thầy là Tiến sĩ Ngôn ngữ học (chúng tôi xin giấu tên), ở Trường Đại học Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh thì tất cả thầy cô đều phản bác, câu thơ “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không” không hề có biện pháp tu từ nhân hóa.

Thầy cô nói đại ý, “con diều sáo” là sự vật vô sinh và động từ “lộn nhào” là do tác động của “gió”, cho nên hình ảnh “con diều sáo lộn nhào” không hề gợi hình, gợi cảm như một sự vật hữu sinh.

Tiếp đến, đề tuyển sinh 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận như sau: “Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên (1). Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (2)”. (Trích “Lặng lẽ Sa Pa”của Nguyễn Thành Long).

Đề yêu cầu thí sinh chỉ ra trong câu (2) của đoạn văn này là câu đơn hay câu ghép. Chỉ ra các thành phần câu.

Đáp án yêu cầu thí sinh chỉ ra được đây là câu đơn, với thành phần của câu: Người con trai ấy (chủ ngữ) - đáng yêu thật (vị ngữ) - nhưng làm cho ông nhọc quá (vị ngữ). [5]

Thế nhưng, nhiều giáo viên lại cho rằng, đây là câu ghép vì có hai cụm chủ vị, “người con trai ấy đáng yêu thật”- là một câu vì nó có đủ cụm chủ vị. Đoạn sau của câu này “nhưng làm cho ông nhọc quá” cũng là một câu, nhưng được ẩn chủ ngữ.

Đến mức giới ngôn ngữ học cũng tranh cãi không có hồi kết nên Sở Giáo dục đành chấp nhận cả 2 đáp án kia.

Có giáo viên nói rằng, 2 câu tiếng Việt của Sở giáo dục và Đào tạo Thái Bình và Sở giáo dục và Đào tạo Bình Thuận ra theo kiểu hàn lâm, đánh đố thí sinh chỉ mới 15 tuổi, trong khi giới nghiên cứu ngôn ngữ học chưa chắc đã nghĩ ra.

Chúng tôi lại nghĩ khác, “hàn lâm” là nói cho sang “mồm”, chứ thật ra được “hàn lâm” về mặt học thuật thì hay quá.

Đề thi trung học phổ thông quốc gia chưa xứng tầm

Đề thi Ngữ văn trung học phổ thông quốc gia năm 2019 cũng là một chủ đề khiến thí sinh và giáo viên bàn tán chưa có hồi kết.

Lời khen cho đề thi cũng nhiều nhưng việc chê cũng không ít. Chúng tôi không tóm lược lại nội dung của những lời khen, tiếng chê, mà chỉ nêu quan điểm cá nhân.

Trước hết, phần Đọc hiểu của đề thi Ngữ văn trong nhiều năm qua, ban ra đề đã rập khuôn máy móc giữa việc học ngoại ngữ và tiếng Việt.

Ví dụ, để kiểm tra kĩ năng đọc, viết cho môn tiếng Anh, đề thường có dạng: “Read the dialogue and answer the questions” – “Đọc hội thoại và trả lời các câu hỏi”.

Mục đích của đề đọc hiểu này là nhằm kiểm tra từng cấp độ hiểu từ thấp đến cao, đó là phần ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và văn bản cho người học ngoại ngữ.

Trở lại những câu hỏi của phần Đọc hiểu đề thi Ngữ văn 2019: “Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?”; “Anh chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?”…

Học sinh đã qua 12 năm ăn học, tại sao phải cần thi những kiến thức như thế này?

Ngoài ra, khi viết bài báo này, chúng tôi cũng thành thật xin lỗi nhà thơ Vũ Quần Phương, bởi lẽ (theo nhiều đồng nghiệp của chúng tôi nhận xét) bài thơ “Trước biển” so với với nhiều bài thơ khác của ông là dở. Mà phàm cái gì dở, nhất là thơ dở thì mất hứng vô cùng…

Chúng tôi xin được nói lại, không phải “hậu sinh khả úy” nhưng vẫn xin lỗi nhà thơ Vũ Quần Phương vì lỗi cũng do một phần ở người chọn ngữ liệu đề thi.

Với câu Nghị luận văn học, đề yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn văn ngắn về hình tượng sông Hương ở thượng nguồn. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Rất nhiều giám khảo nói với chúng tôi, rằng chính thầy cô cũng khó viết cho “ngay ngắn” để thành một bài văn từ một đoạn văn (bút kí) quá ngắn và đã …quá hay như tác giả đã viết.

Đề ra như vậy thì làm sao thí sinh có thể làm bài tốt, làm sao chất lượng bộ môn được đảm bảo?

Qua một số đề Ngữ văn (bất cập), điều khiến chúng tôi trăn trở là, tại sao phải bắt học sinh thi những điều vô bổ như vậy?

Những kiến thức ấy, vấn đề ấy liệu có phải là hành trang để học sinh mang vào đời hay không?

Và ai là người chịu trách nhiệm cao nhất cho những đề chưa chuẩn, kém hay, khiên cưỡng…?

Cuối cùng, chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm, “nếu không có một vị ‘thuyền trưởng’ xứng tầm, cho dù có đổi mới về dạy và học, đổi mới công tác kiểm tra, thi cử thì cũng rất khó để có thể cải thiện chất lượng bộ môn Ngữ văn.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mon-ngu-van-dang-co-rat-nhieu-loi-the-sao-chat-luong-lai-chua-dat-duoc-ky-vong-post201149.gd

[2] //vtc.vn/kha-banh-doi-tu-bat-hao-duoc-dua-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-d467746.html

[3] //news.zing.vn/kha-banh-lai-vao-de-thi-ngu-van-nhieu-giao-vien-lac-dau-ngao-ngan-post939715.html

[4] //saostar.vn/sinh-vien-tv/de-thi-tuyen-sinh-10-mon-ngu-van-tinh-thai-binh-5300151.html

[5] //thanhnien.vn/giao-duc/tranh-cai-nay-lua-de-thi-ngu-van-vao-lop-10-o-binh-thuan-1103654.html

[6] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-mon-ngu-van-2018-da-du-suc-danh-thuc-tiem-luc-o-tuoi-tre-post187712.gd

CAO NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-ta-dang-thieu-mot-vi-thuyen-truong-de-cheo-lai-bo-mon-ngu-van-post201296.gd