Chuỗi bánh Hàn Quốc mở rộng thị trường ở Mỹ và Đông Nam Á

Các chuỗi bánh lớn của Hàn Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại thị trường Mỹ, với hàng trăm cửa hàng cung cấp đủ loại bánh mì, bánh ngọt và món tráng miệng cho người tiêu dùng địa phương. Bên cạnh Mỹ, Đông Nam Á cũng được xem là thị trường trọng điểm để các thương hiệu bánh ngọt Hàn Quốc thâm nhập và mở rộng khắp các thị trường còn lại.

Các chuỗi bánh Hàn Quốc đang tăng cường mở rộng thị trường ở Mỹ. Trong ảnh là một cửa hàng Tous les Jours của CJ Foodville tại Mỹ. Ảnh: Modern Retail

Các chuỗi bánh Hàn Quốc đang tăng cường mở rộng thị trường ở Mỹ. Trong ảnh là một cửa hàng Tous les Jours của CJ Foodville tại Mỹ. Ảnh: Modern Retail

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc hôm 21-1 cho biết kim ngạch xuất khẩu bánh, đạt gần 2 tỉ đô la trong năm 2023, tăng hơn 260% so với con số 761 triệu đô la của năm 2013.

Chiều chuộng khách hàng ở thị trường hàng đầu

Xuất khẩu bánh của Hàn Quốc sang Mỹ đứng đầu với thị phần 20% trong năm ngoái, tăng trưởng thị trường đạt 36%. Tiếp theo là Trung Quốc với thị phần 18%, Nhật Bản 7%, Úc và Hà Lan đồng hạng với 4%.

Lý do lớn nhất khiến các tiệm bánh Hàn Quốc được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng là sự đa dạng của các mặt hàng bánh tại mỗi cửa hàng, vượt xa các cửa hàng địa phương khác về số lượng loại bánh.

Tập đoàn SPC của Hàn Quốc hiện điều hành hơn 150 cửa hàng Paris Baguette ở Mỹ. Một quan chức của SPC nói rằng các cửa hàng Paris Baguette ở Mỹ bán trung bình hơn 300 loại bánh. Các loại phổ biến như croissant, bánh mì kem đậu phộng và bánh mì nướng Pain aux chocolate. “Sự lựa chọn phong phú như vậy không bao giờ thất bại trong việc kích thích thị giác, thính giác của người đến mua tại cửa hàng của chúng tôi”, vị này nói với Korea Times.

Hãng con CJ Foodville của tập đoàn CJ hiện vận hành hơn 100 cửa tiệm Tous les Jours ở Mỹ. Mỗi ngày, các cửa hàng này giới thiệu gần 400 loại bánh khác nhau. Một quan chức của CJ Foodville nói bánh kem tươi, bánh mì đậu đỏ ngọt và bánh bao xúc xích nằm trong danh sách bán chạy của Tous les Jours tại Mỹ.

Cho phép khách tự cầm khay dạo quanh tiệm, tự chọn loại bánh mình thích và đem ra quầy thu ngân là ưu điểm nổi trội của các chuỗi bánh Hàn Quốc tại Mỹ. Người tiêu dùng thích tự kiểm tra thành phần nguyên liệu của từng loại bánh dựa trên nhãn dán. Đó là phương thức mua sắm tự do, không thích bị gây áp lực và vội vàng. “Đây cũng là cách phải chiều chuộng hay tôn trọng sở thích ẩm thực của khách”, quan chức của SPC giải thích.

Mỹ hiện là trung tâm của các chuỗi bánh Hàn Quốc. Nhưng họ đang phải cạnh tranh với Au Bon Pain, Panera Bread và Pret a Manger. Các chuỗi bánh xem đây là một thách thức để mở rộng thị trường ở một nơi được xem là “trung tâm của các ngành kinh tế và văn hóa toàn cầu”.

Xâm nhập thị trường toàn cầu

Đối diện với tình trạng suy giảm dân số trong nước, các chuỗi bánh Hàn Quốc đã sớm xâm nhập thị trường nước ngoài. CJ có phần thành công hơn SPC trong chiến lược bành trướng ở nước ngoài.

Năm 2018, hãng con của CJ đã mua lại nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh Schwan’s Co. tại Mỹ với giá khoảng 1,8 tỉ đô la. Đây là khởi đầu cho quá trình “bành trướng” ra thị trường nước ngoài của tập đoàn Hàn Quốc. CJ Foodville hiện là ngọn cờ đầu, với sự hiện diện ở 40 nước.

Sử dụng mạng lưới bán hàng Bắc Mỹ của Schwan’s, CJ đã đạt được các thỏa thuận với các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Costco để tăng doanh số bán bánh bao đông lạnh. Công ty cho biết bánh bao rau cải và kim chi đã trở nên phổ biến trong giới tiêu dùng trẻ, quan tâm đến sức khỏe ở châu Âu và Mỹ.

CEO Choi Eun-seok của tập đoàn năm ngoái đã tuyên bố sẽ đạt được “sự tăng trưởng đổi mới” với bảy sản phẩm chiến lược toàn cầu để mở rộng doanh số bán hàng ra nước ngoài. Đó là bánh bao, gia vị và nước sốt kiểu Hàn Quốc, cơm, kim chi, rong biển, gà rán và chả giò. Cả bảy sản phẩm đều bán dưới thương hiệu Bibigo.

CJ hiện muốn đẩy mạnh số cửa hàng tại Mỹ lên 1.000 vào 2030, tức là tăng mười lần so với con số 100 cửa hàng vào tháng 8-2023. Tại Trung Quốc, số cửa hàng Tous les Jours đã đạt gần 200, tập đoàn đã bán công ty con sản xuất và bán hàng tại đây vào tháng 7-2023, với lý do cần tập trung nguồn lực cho các thị trường trọng điểm.

Tại Nhật Bản, công ty đã mua bốn nhà máy chế biến từ chuỗi nhà hàng vào năm 2019 và thành lập cơ sở sản xuất mới. Doanh nghiệp đang nhắm đến các thỏa thuận phân phối với Costco và nhà bán lẻ địa phương Aeon để tăng doanh số bán hàng.

Tại Đông Nam Á, năm 2019 CJ đã xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để tiếp cận người tiêu dùng trẻ tuổi Việt Nam cũng như ở Thái Lan. CJ hiện là chuỗi bánh lớn nhất tại Việt Nam và đây cũng là thị trường chủ lực của tập đoàn tại ASEAN, bên cạnh Indonesia. Doanh nghiệp cũng đã thành lập các nhà máy sản xuất các sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn halal ở Indonesia và Malaysia với đa số người theo đạo Hồi, đồng thời cũng đang mở rộng hoạt động bán hàng sang Trung Đông.

Trước thương vụ Schwan’s vào năm 2018, tỷ lệ doanh số ở nước ngoài của CJ Foodville chỉ 13%. Năm 2022, tức bốn năm sau, tỷ lệ này tăng lên 47%. CJ Foodville cũng đang thu hẹp khoảng cách với Ajinomoto của Nhật Bản, công ty dẫn đầu trong số các công ty thực phẩm châu Á về mở rộng ra nước ngoài với tỷ lệ khoảng 60%.

Theo Korea Times, Ked Global, Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuoi-banh-han-quoc-mo-rong-thi-truong-o-my-va-dong-nam-a/