Chương trình giáo dục phổ thông mới: Yếu tố then chốt vẫn là giáo viên
Kết thúc thời gian thực nghiệm chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, Ban soạn thảo chương trình đã có những báo cáo ban đầu về đánh giá của giáo viên và học sinh.
Nhiều ý kiến quan tâm đến việc số giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới là bao nhiêu? Bởi thầy có hiểu đúng, có đáp ứng được yêu cầu của chương trình, thì trò mới có thể học theo được.
Thông tin từ GS, Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, việc tổ chức thực nghiệm dạy học chương trình GDPT mới đã được thực hiện ở 6 tỉnh, TP, thuộc 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước (Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ).
Mỗi tỉnh/TP tham gia thực nghiệm chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT, đại diện cho các vùng thuận lợi, khó khăn trên địa bàn với tổng số 350 tiết dạy. Nếu mỗi bài thực nghiệm được dạy 2 lượt, nhân với 48 trường thì số giờ dạy thực nghiệm tương đối lớn.
Tinh thần là chỉ thực nghiệm những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học của chương trình các môn học so với chương trình hiện hành. Một trong những mục đích của đợt thực nghiệm là nhằm đánh giá tác động, kiểm nghiệm tính khả thi của dự thảo 19 chương trình môn học; đồng thời, lấy ý kiến, tạo đồng thuận của giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội đối với chương trình GDPT mới, đặc biệt là những môn học mới chưa có trong chương trình phổ thông hiện hành.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, thời gian triển khai thực nghiệm cho thấy một số tiết học thành công, một số tiết thất bại. Những tiết học thành công do 3 yếu tố, trong đó thầy cô có phương pháp dạy học mới, nắm vững được nội dung vấn đề, bài soạn vừa đủ thời lượng nên không quá tải.
Qua đánh giá chung, thầy Thuyết cho rằng, các thầy cô ở bậc tiểu học tích cực trong việc đổi mới hơn, các thầy cô các lớp càng cao thì điều này càng có xu hướng giảm. Nguyên nhân là bởi: “Ở các lớp học, bậc học càng cao, giáo viên càng chịu nhiều sức ép từ các kỳ thi đã gây hạn chế cho việc đổi mới”.
Do một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh.
Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
Thực tế cho thấy giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung chương trình và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên chương trình môn Sinh học – chia sẻ kết quả thực nghiệm khả quan với môn Khoa học tự nhiên sau 38 tiết thực nghiệm tại 18 trường học. Bài thực nghiệm “Bản chất hóa học và gen” được cho là khó và giáo viên là do nhà trường chọn. Tuy nhiên, qua thực nghiệm, điều khó khăn nhất cũng được PGS Tuấn rút ra chính là năng lực đổi mới phương pháp của giáo viên.
GS.TS Phạm Hồng Tung – Chủ biên chương trình môn Lịch sử cho rằng: Yếu tố then chốt vẫn là giáo viên, ở đâu giáo viên hiểu đúng chương trình, “đọc” đúng chủ ý người soạn chương trình thì họ vận dụng rất thành công. Bởi vậy, hoạt động tập huấn giáo viên là rất quan trọng; cùng với đó là những điều kiện vật chất như phòng học bộ môn, kết nối internet…
Ban Phát triển các chương trình môn học kiến nghị Bộ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp tập huấn giáo viên, cán bộ quản lí thật chu đáo, hiệu quả. Cán bộ chỉ đạo, quản lí và giáo viên cần được tập huấn kĩ về chương trình GDPT mới và sách giáo khoa mới.
Nội dung tập huấn phải trang bị cho cán bộ, giáo viên quan điểm giáo dục mới, đồng thời hướng dẫn những điều rất thiết thực về nghiệp vụ, trong đó có nội dung thực hành soạn giáo án và dạy học.
Cần tăng số lượng giáo viên tham dự các lớp tập huấn do chuyên gia biên soạn chương trình, chuyên gia ở các trường sư phạm trọng điểm hướng dẫn; áp dụng hình thức tập huấn và bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ; có chế độ khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến này.
Quan điểm chung của các thành viên Ban soạn thảo cho rằng: Để áp dụng chương trình GDPT mới, cần trao quyền tự chủ cho giáo viên. Giáo viên có được chủ động thì mới sáng tạo được. Đây cũng chính là mục tiêu hướng tới khi triển khai chương trình mới.