Cơ quan quản lý GD chủ trì tuyển dụng nhà giáo sẽ có nhiều thuận lợi

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được chủ trì tuyển dụng nhà giáo bậc học Phòng quản lý.

Hiện nay, việc tuyển dụng nhà giáo thuộc thẩm quyền ngành nội vụ và ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh, thành phố, ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu.

Tại Hải Phòng, đối với việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý chuyên môn) được giao cho Phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện thực hiện; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ là một ủy viên trong hội đồng tuyển dụng.

Mới đây, ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Điểm mới đáng chú ý trong bản dự thảo này là nội dung tuyển dụng nhà giáo. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 16 của Dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo: "Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng;

Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng;

Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục".

 Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được chủ động trong điều tiết, sử dụng nhà giáo và gia tăng quyền kiểm soát các trường (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được chủ động trong điều tiết, sử dụng nhà giáo và gia tăng quyền kiểm soát các trường (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Việc tuyển dụng sẽ được trao cho ngành giáo dục là điểm mới rất được quan tâm đối với ngành giáo dục các địa phương, trong đó có Hải Phòng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Chí Linh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Dương Kinh (Hải Phòng) cho rằng, nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, việc Phòng giáo dục các quận, huyện chủ trì tuyển dụng giáo viên từ mầm non đến cấp trung học cơ sở sẽ mang lại một số thuận lợi.

Thứ nhất, việc giao quyền tuyển dụng cho Phòng Giáo dục sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu giáo viên của từng đơn vị trường học, phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của địa phương.

Thứ 2 là nâng cao hiệu quả quản lý: Phòng Giáo dục có thể nắm bắt rõ hơn nhu cầu nhân sự của các trường, từ đó có kế hoạch tuyển dụng phù hợp, tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên.

Thứ 3, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện khi được giao quyền tuyển dụng sẽ kiểm soát được chất lượng đầu vào của nhà giáo.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ước - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền sẽ có nhiều ưu điểm, thuận lợi. Như dự thảo, bậc tiểu học, trung học cơ sở thì Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì tuyển dụng. Phòng sẽ có cách đánh giá nguồn tuyển dụng sát với năng lực, yêu cầu về chuyên ngành.

Tuy nhiên, bà Ước cũng băn khoăn khi Phòng Giáo dục và Đào tạo hiện có số người làm việc rất ít. Như Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đồ Sơn chỉ có 6 người, trong khi khối lượng công việc quá nhiều.

 Việc tuyển dụng sẽ được trao cho ngành giáo dục là điểm mới rất được quan tâm đối với ngành giáo dục các địa phương, trong đó có Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Việc tuyển dụng sẽ được trao cho ngành giáo dục là điểm mới rất được quan tâm đối với ngành giáo dục các địa phương, trong đó có Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Là người luôn quan tâm tới Dự thảo Luật Nhà giáo, về nội dung đề xuất liên quan việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, cô Ngô Thị Lê - giáo viên Trường Trung học cơ sở Thị trấn Núi Đối (Hải Phòng) cho biết: "Hiện nay, việc tuyển dụng nhà giáo được giao cho chính quyền địa phương và ngành nội vụ thực hiện. Nếu dự thảo Luật nhà giáo được thông qua, việc tuyển dụng sẽ được giao cho ngành giáo dục và đào tạo chủ trì. Điểm mới này sẽ giúp các giáo viên cảm thấy yên tâm hơn, khắc phục những tồn tại bất cập của việc tuyển dụng" - cô Lê nêu ý kiến.

Cũng về vấn đề tuyển dụng nhà giáo, quy định về tuyển dụng nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập).

Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-quan-quan-ly-gd-chu-tri-tuyen-dung-nha-giao-se-co-nhieu-thuan-loi-post246710.gd