Chuyện kho vàng lớn của Nhà nước những ngày đầu kháng chiến
Năm 1945, sau khi cách mạng giành được chính quyền, Đảng và Bác Hồ đã nắm chắc âm mưu của thực dân Pháp nên chủ động có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để bước vào cuộc chiến đấu mới, dài hơi.
Một trong những vấn đề quan trọng, có tính chiến lược là phải chuẩn bị một số an toàn khu (ATK) ở ba vùng miền để chỉ đạo và phục vụ cơ sở vật chất cho kháng chiến.
Ở Khu Bốn (bao gồm từ Thanh Hóa đến Bình Thị Thiên) An toàn khu (ATK) Bắc Trung Bộ được chọn đặt ở vùng núi Hương Khê – Hương Sơn- Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Để chuẩn bị cho một kế hoạch lớn giúp chính quyền cách mạng có đủ ngân sách cho các hoạt động của ATK, một số lượng vàng rất lớn được vận chuyển từ Huế ra cất giữ ở xã Lễ Động cũ, nay là xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quảng, Hà Tĩnh
Theo các cụ cao niên kể lại, nhằm bảo đảm hết sức bí mật, an toàn, những người vận chuyển vàng được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Họ là những nông dân, tiểu thương tuyệt đối trung thành với cách mạng, có sức khỏe, giỏi chịu đựng khó khăn, vất vả. Hàng được đóng gói, niêm phong trong các rương thùng có kích cỡ, trọng lượng giống nhau. Toàn bộ đều đi theo đường rừng với cách đi lắt léo, khó lường và phải đi vào ban đêm, chuyển dịch từng trạm. Tuy được tin cậy giao trọng trách như vậy nhưng người vận chuyển cũng không thể biết được đó là hàng gì và sẽ được bàn giao cho ai, ở đâu.
Đền Lễ Động sau khi được xây dựng lại năm 2014 với sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân địa phương và con em quê hương trên mọi miền đất nước.
Sau những ngày đêm di chuyển hết sức vất vả, nguy hiểm qua hàng tháng trời, số vàng nói trên đã được đưa tới đích an toàn. Lán trại tập kết vàng được chuẩn bị sẵn sàng ở nơi kín đáo trong rừng sâu. Một loạt thợ kim hoàn cũng đã qua chọn lọc rất kỹ về thành phần, chính trị, được điều đến để đúc vàng từ các vật dụng của nhà vua và hoàng tộc ra thành nén, thành thỏi. Vàng đúc xong được tạm giấu trong rừng sâu, có người trông coi, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Bản thân những người bảo vệ cũng không được biết mình đang coi giữ cái gì.
Một thời gian sau, toàn bộ số vàng trên được chuyển từ vùng núi sâu ra cất giấu ở Đền Lễ Động. Số còn lại gửi tại nhà ông Nguyễn Trinh Đàn gần đó. Ông Đàn tên gọi thường ngày là ông Lý Chỉ. Vì trước cách mạng, ông làm lý trưởng. Về sau ông hoạt động cho cách mạng, trở thành đảng viên và là cán bộ chủ chốt trong Ủy ban Hành chính xã Liên Bồng lúc mới lập chính quyền.
Không ai biết số vàng trên được cất giấu ở Đền Lễ Động bao lâu. Chỉ biết rằng, những ngày này khu vực xung quanh đều được bảo vệ rất chặt chẽ. Ngoài ông Tôn Thất Thông và một số người có lẽ thuộc Bộ Tài chính đi áp tải số vàng từ Huế ra và ở lại, còn có thêm lực lượng giấu mặt canh giữ vòng trong, vòng ngoài.
Nhân dân Đức Lĩnh nói chung, vùng Thanh Sơn – Lễ Động nói riêng là những người rất trung thành với Đảng, thủy chung với cách mạng. Tuy những năm đầu cách mạng đời sống bà con ở đây rất nghèo khổ, ăn bữa rau bữa cháo, lấy sắn khoai làm gạo, song không một ai tơ hào mảy may đến của cải của Nhà nước. Vì thế không chỉ kho vàng nói trên, mà sau này cả một nhà máy in bạc Cụ Hồ đặt tại địa bàn, in ra một số lượng lớn giấy bạc để chuyển về các nơi khác nhưng không hề bị mất một tờ. Bà con còn nêu cao ý thức cảnh giác, theo dõi và báo cho công an bắt giữ được một số kẻ xấu đến dò la tin tức hoạt động của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đóng trong xã.
Hàng trăm người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đổ về đây thắp hương, vãn cảnh, tìm hiểu về Đền vào các dịp lễ hội của Đền và của cả nước.
Các năm từ 1947 – 1952, Nhà nước ta huy động một số lượng lớn dân công chuyển hàng ngàn tấn máy móc thiết bị và công nhân lành nghề thuộc các nhà in Tiếng Dân, Đắc Lập, Ngô Tử Hạ từ Huế ra lập xí nghiệp in giấy bạc Cụ Hồ và chế tạo vũ khí ở vùng Hương Sơn, Hương Khê và Thượng Đức Thọ.
Theo tác giả Nguyễn Mai trong hồi ký “Nhớ lại các vùng an toàn khu ở Hà Tĩnh” trong cuốn sách MỘT THỜI KHÔNG QUÊN (Tập II): Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp 1946 -1951, ngoài các ATK Hương Khê, có các cơ quan Tài chính Trung Bộ và cơ xưởng kháng chiến Liên khu 4 đóng ở vùng Thượng Đức Thọ. Đó là, Cơ Xưởng Yên Duệ, Xưởng Đúc Long Giang; ở khu Chợ Bộng (thuộc Đức Lĩnh – Đức Bồng) có Văn phòng ATK, xưởng in, Ủy ban phát hành tiền tệ; Văn phòng Sở Kho bạc…
Những năm này có thể gọi Đức Lĩnh là “Thủ phủ kháng chiến của vùng Bắc Trung Bộ”. Bởi cuối năm 1947, các nhà máy ở ATK 2 bắt đầu hoạt động. Khí thế cách mạng những ngày đầu cách mạng ở đây nhộn nhịp khác thường. Các trung đội dân quân du kích được thành lập, ngày đêm hăng hái luyện tập quân sự bảo vệ xóm làng. Trên 1.000 công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp cùng các bộ phận tiếp tế, hậu cần khắp nơi trong nước đổ về đây. Tiếng máy reo vang ngày đêm. Những chiều mít tinh, những đêm liên hoan văn nghệ quân – dân mừng chiến thắng làm náo nức, ấm lên một khoảng rừng già vốn ngàn năm trầm mặc. Có khá nhiều thanh niên địa phương được tuyển lựa, bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công nhân làm cho nghĩa tình công – nông càng thêm gắn bó, bền chặt.
Từ vùng núi này, biết bao vũ khí ra đời. Biết bao tờ giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng in hình cụ Hồ được chuyển vào Nam cung cấp cho Khu 5 và các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Trong khó khăn, khắc nghiệt, đồng bạc tài chính Việt Nam ra đời đã góp phần giữ vững nền độc lập, tự chủ của Tổ quốc trong thời kỳ trứng nước.
Thời gian in và cất giấu bạc tài chính ở ATK 2 có ông Lê Văn Hiến- Bộ Trưởng Bộ Tài chính đích thân về kiểm tra; Ông Nguyễn Trọng Nhạ, Đại biểu Quốc hội khóa I (mang bí số 101) trực tiếp phụ trách. Ông Nhạ ở trong ngôi nhà cất tạm kiểu 2 tầng bằng gỗ, lợp tranh tro, dựng tại Cồn Chùa xã Bồng Lĩnh (khu vực Phòng khám Đa khoa hiện nay).
Cùng với quê hương, Đền Lễ Động là chứng tích của một thời tao loạn, một thời yên bình của quê hương đất nước. Đền Lễ Động không chỉ là nơi thờ Thần mà còn được sử dụng để làm các sứ mệnh khác phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xứng đáng với bức hoành phi “Hộ quốc tỷ dân” được Nhà nước ban thưởng, treo ở chính diện.
Những năm 1930- 1931, Đền là nơi hội họp Chi bộ Đảng, chốn đi về, ẩn náu, của nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động bí mật. Sau 1945 Đền được sử dụng làm hội quán của xóm, dạy bình dân học vụ, sinh hoạt các đoàn thể. Giai đoạn 1959 - 1960, Đền trở thành trụ sở của Hợp tác xã nông nghiệp, cất giữ vật tư sản xuất. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vùng Lễ Động được chọn làm địa điểm sơ tán cho Trường cấp ba Đức Thọ. Mặc dù những năm đó không quân Mỹ đánh phá các nơi rất ác liệt, Đức Lĩnh cũng là một trong những địa phương nằm trong vùng chiến sự đó, song việc dạy và học của thầy, trò ở đây suốt cả một thời gian dài vẫn được an toàn tuyệt đối. Từ nơi này đã có bao thanh niên, học sinh trưởng thành; đóng góp nguồn nhân lực cao cho đất nước. Nhiều em về sau đã trở thành các sỹ quan, tướng lĩnh trong quân đội hoặc là những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước và của tỉnh Hà Tĩnh.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Đền Lễ Động ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành phế tích. Thực hiện chủ trương bảo tồn, phục dựng lại một di tích lịch sử và tâm linh có giá trị của lãnh đạo xã và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân, cuối năm 2014, Đền đã được phục dựng và nâng cấp một cách khang trang trên chính nền đất cũ trong sự vui mừng khôn xiết cả bà con địa phương. Đặc biệt việc tìm lại đầy đủ 13 sắc phong của 5 đời Vua, Chúa nhà Nguyễn cho Đền là một kỳ tích của địa phương, trong đó có công lao rất lớn của gia đình hai ông Nguyễn Gia Châu và Lê Văn Hiệp. Năm 2015, Đền Lễ Động chính thức được trao Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh.
Từ đó, nhân dân địa phương đã có nơi để phụng thờ, gửi gắm, tâm tư tình cảm của mình thông qua những nén tâm hương. Những ngày lễ, tết cổ truyền, nhất là ngày quốc khánh của nước nhà, nhân dân địa phương và nhiều nơi đến đây rất đông để thắp hương, vãn cảnh, tìm hiểu về một địa chỉ Đỏ đã góp phần xứng đáng của mình cho nước nhà vào những ngày đầu độc lập.