Chuyện người làm nhạc cụ Xơ Đăng nơi đại ngàn
A Ngụ (dân tộc Xơ Đăng) còn trẻ, chỉ mới 37 tuổi, nhưng bà con gọi anh là 'nghệ nhân' của làng Đăk Rip 2, là 'mắt xích' trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Bởi nhiều năm qua, với tài năng cùng sự khéo léo của đôi tay, anh A Ngụ đã chế tác ra nhiều chiếc đàn t'rưng, ting ning, klông pút... phục vụ những người đam mê nghệ thuật.
Hơn 1 giờ trưa, A Ngụ mới kịp uống ngụm nước sau bữa cơm vội. Bởi nhiều ngày qua, anh tất bật hoàn thiện đơn hàng “khủng” nhất từ trước tới giờ. Không phải chỉ 1, 2 chiếc đàn như mọi lần mà là 13 chiếc t’rưng với đủ kích cỡ lớn nhỏ.
Anh A Ngụ tâm sự: "Ngày xưa, làm đàn chỉ phục vụ đời sống văn hóa thường ngày, để thỏa niềm đam mê nhạc cụ dân tộc, còn bây giờ đã trở thành nghề mưu sinh của gia đình. Để có thể đưa được các sản phẩm đàn do chính tay tôi làm ra buộc tôi phải cải thiện về mẫu mã rất nhiều so với những chiếc đàn ngày xưa tôi làm".
A Ngụ may mắn khi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đam mê văn hóa nghệ thuật, nhiều người thân là nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng và biết chế tác nhạc cụ. Khi còn đi học, A Ngụ thường thể hiện tài năng văn nghệ, anh biểu diễn giọng hát, kỹ năng chơi nhạc cụ mà bản thân học được từ cha, từ người anh cả của mình cho cả trường cùng thưởng thức.
A Ngụ nhớ lại: "Ngày đó, mỗi lúc tan học, tôi thường lẽo đẽo theo ba và anh cả. Họ lên rẫy, tôi cũng đi theo; họ vào rừng chặt tre, lội suối bắt cá cũng đưa tôi đi cùng. Và khi gác lại công việc trên rẫy, cũng là lúc trời ngả về đêm. Bên bếp lửa đỏ rực giữa nhà, cha và anh tôi miệt mài bên từng ống nứa để tạo ra từng bộ phận của chiếc đàn t’rưng".
Cứ nhiều ngày như thế, những ống nứa dài ngắn được gọt giũa cẩn thận đứng xếp hàng từ cao xuống thấp, được cố định bởi sợi dây mây dẻo dai, hình hài chiếc đàn dần hiện ra. Những người nghệ nhân dùng đôi tai điêu luyện của mình để thẩm âm từng ống nứa, họ tỉ mỉ điều chỉnh cho đến khi thanh âm phát ra “ưng” bụng nhất mới thôi. Những thanh nứa vô tri vô giác qua đôi tay của cha và anh bỗng trở nên có hồn, chúng biết nói, nhảy múa trong tâm hồn A Ngụ.
A Ngụ chăm chú ngồi xem cha với anh mình làm, những thanh âm chiếc đàn vang lên như thôi thúc đôi tay non nớt của A Ngụ. Anh rón rén cầm chiếc dùi nhỏ gõ vào những ống đàn, âm thanh vang lên trong trẻo khiến A Ngụ có cảm giác lâng lâng khó tả.
A Ngụ nhìn cây đàn mà cha và anh mình vừa hoàn thiện, ngắm nghía thật kỹ từng bộ phận, chi tiết trên chiếc đàn rồi quyết tâm tự tay mình chế tạo ra một chiếc t’rưng riêng. Anh nhặt những ống nứa còn sót lại, dùng con dao rựa sắc lẹm của cha mình rồi tập tành ngồi gọt giũa. Thoạt nhìn thì tưởng dễ, nhưng đến khi bắt tay vào làm, A Ngụ mới thấy khó vô cùng.
Những thanh nứa không biết nghe lời A Ngụ. Sau khi được anh trau chuốt, gọt giũa, chúng vẫn “trơ” mắt nhìn anh chứ không phát ra thanh âm như chiếc đàn của cha và anh mình làm. A Ngụ vò đầu, mang những thanh nứa mình gọt đến so với cây đàn của cha, kích thước bằng nhau nhưng âm phát ra lại khác hoàn toàn.
Không thể tự giải đáp các thắc mắc, A Ngụ đi “cầu cứu” người anh cả. Thấy cậu em mình hỏi về đàn, người anh rất vui nhưng không kém phần lo lắng. Anh cả vui vì A Ngụ cũng có “máu” mê nghệ thuật như người thân trong gia đình, nhưng lo vì A Ngụ còn quá hậu đậu, đôi tay chưa đủ khéo léo, sức mạnh để cầm dao gọt giũa từng lóng nứa tạo ra chiếc đàn.
Trước sự năn nỉ nhiệt tình của A Ngụ, người anh cả đành mềm lòng hướng dẫn, tận tình chỉ cho em trai cách làm ống đàn phát ra âm thanh chuẩn nhất. Những âm có âm độ cao là những lóng ngắn, đặt gần với người đánh và thường được chọn từ những cây già tuổi. Những ống đàn có âm độ thấp là những lóng nứa dài, được đặt xa người đánh hơn.
Ống đàn t’rưng như dây đàn của ting ning, guitar, là bộ phận quan trọng để phát ra âm thanh. Mỗi ống đàn gồm hai phần là ống hơi và thanh cộng hưởng. Giữa hai phần này có mối quan hệ mật thiết để tạo nên cao độ chuẩn và âm thanh vang. Cấu tạo của đàn gồm các ống nứa được liên kết với nhau bằng những sợi dây nhỏ, bền, chắc. Muốn điều chỉnh âm thanh của từng ống, nghệ nhân làm đàn phải tỉ mỉ gọt giũa phần miệng ống từng chút một, sau đó tự thẩm âm và cảm nhận.
A Ngụ ngày ấy tuy còn bé, nhưng khi nghe, nhìn anh cả hướng dẫn, cậu em nhanh chóng tiếp thu và ghi nhớ. Sau lần anh trai chỉ dạy, A Ngụ như tiếp thêm động lực, trau dồi thêm khối kiến thức về cách làm đàn. Đến năm học lớp 7, A Ngụ đã tự làm cho mình chiếc đàn t’rưng. Trong các buổi văn nghệ tại lớp, tại trường, A Ngụ không ngần ngại mang chiếc đàn mà cậu tự tay chế tác để biểu diễn cho các bạn, thầy cô cùng nghe. Những ánh mắt ngưỡng mộ được dành cho A Ngụ. Anh trở thành người “nghệ sĩ” nhí trong làng, trong trường.
Học hết lớp 9, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, A Ngụ đành chia tay con chữ, ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy vườn, đồng thời phát triển sự nghiệp văn nghệ của mình. A Ngụ tham gia đoàn văn nghệ của xã, cùng các thành viên trong gia đình biểu diễn tại những chương trình, cuộc thi, hội thi trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, A Ngụ cũng không ngừng chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc để mang đi biểu diễn. Những năm gần đây, khi tài năng làm nhạc cụ của A Ngụ được nhiều người biết đến, những nghệ sĩ, người sưu tầm dụng cụ truyền thống dân tộc... đã không ngại lặn lội đường xa đến tìm anh để đặt mua.
Để sản phẩm đàn của mình ngày càng bắt mắt và thu hút nhiều người quan tâm, anh A Ngụ đã không ngừng cải tiến. Những chiếc đàn t’rưng được bổ sung thêm phần chân để người đánh thuận tiện hơn trong khi chơi đàn. Có nhiều vị khách khó tính hoặc thích những điều mới mẻ thường yêu cầu A Ngụ làm theo ý khách. A Ngụ không phàn nàn, nề hà mà sẵn lòng chế tác. Bởi với anh, khách tìm đến anh đặt mua đàn là niềm vui lớn, là cơ hội để đưa thanh âm nơi đại ngàn Tu Mơ Rông vang xa đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Anh A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: "Anh A Ngụ là một người trẻ tuổi nhưng có niềm đam mê với nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống dân tộc. Hiện tại, A Ngụ đang có thu nhập rất ổn từ việc chế tác nhạc cụ dân tộc, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn. Trong thời gian tới, xã sẽ phát triển du lịch cộng đồng, kết nối với anh A Ngụ trong việc chế tạo và biểu diễn nhạc cụ cho khách du lịch. Cùng với đó, xã sẽ mời anh A Ngụ đến truyền dạy kỹ năng làm nhạc cụ tại các lớp học do xã phối hợp mở trên địa bàn".