Chuyển toàn bộ xử lý vi phạm hành chính sang tòa án - có khả thi?

Với số lượng vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước rất lớn như hiện nay, việc chuyển đổi chức năng xử lý vi phạm hành chính sang Tòa án để xét xử liệu có khả thi? Đây là câu hỏi được nhiêu đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 đặt ra trong phiên thảo luận chiều nay, 9.11, về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang thảo luận tại tổ chiều 9.11. Ảnh: Quang Khánh

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang thảo luận tại tổ chiều 9.11. Ảnh: Quang Khánh

Có nên chuyển toàn bộ xử lý vi phạm hành chính sang Tòa án?

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang), các ĐBQH nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các lý do nêu trong Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao. Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội đã được Tòa án Nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Theo Tờ trình dự án Luật, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ được đổi mới theo thẩm quyền xét xử nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ được đổi thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định tại dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) nhận thấy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi, vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Khoản 1 Điều 55, dự thảo Luật vẫn quy định Tòa án nhân dân phúc thẩm có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm vụ việc theo quy định. Theo đại biểu, thay đổi này của dự thảo Luật chỉ dừng ở thay đổi về tên gọi của các tòa án, chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tòa án như mục tiêu đã nêu.

Điều 26 của dự thảo Luật quy định, Tòa án xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật; và xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật.

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định nêu trên. Bởi khoản 1, Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước. Theo quy định hiện hành có gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. "Với số lượng vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước rất lớn như hiện nay, việc chuyển đổi chức năng xử lý vi phạm hành chính sang Tòa án để xét xử là khó khả thi”, đại biểu Nguyễn Viết Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Khánh

“Theo pháp luật hiện hành có gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đó là về chức danh, nếu nhân ra số người tuyệt đối ở các cấp, các ngành có chức năng xử phạt thì sẽ là một số lượng rất lớn”. Đưa ra lý do này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị, cân nhắc rất kỹ về tính khả thi nếu chuyển toàn bộ xử lý vi phạm hành chính sang Tòa án.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, với quy định pháp luật hiện hành thì Tòa án đã có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với bốn trường hợp gồm: xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và áp dụng cái biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

"Như vậy, xét về mặt thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vi phạm hành chính thì đã có rồi. Do đó, cần bỏ Điều 26 của dự thảo Luật, chỉ nên tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về thẩm quyền của Tòa án trong xử lý vi phạm hành chính", Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất.

Cân nhắc quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật quy định, Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Tán thành với quy định nêu trên, ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) lý giải, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án theo quy định tại dự thảo Luật chỉ là một góc độ của quyền tư pháp vốn có nội hàm rộng, có một số cơ quan khác cũng được trao quyền này theo quy định của Hiến pháp, luật chuyên ngành. Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, nhưng từ đó đến nay nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp chưa được cụ thể hóa nên chưa có cách hiểu thống nhất.

Tại Điều 15 của dự thảo Luật quy định, "Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ". Cũng theo quy định tại dự thảo Luật, Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính; hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Băn khoăn về quy định nêu trên, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu rõ, thẩm quyền thu thập bằng chứng của Tòa án trong các vụ án hình sự hiện nay chỉ được giới hạn trong một số trường hợp và thực hiện không có vướng mắc gì. Tại Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án phải tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong một số trường hợp luật định chặt chẽ. Có những vụ án lớn, có mấy chục bị cáo, nếu chỉ một tình huống nhỏ, thiếu chứng cứ nhỏ cũng phải quay lại trả hồ sơ thì có cần thiết không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính hiện nay thì nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án chỉ thu thập chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập được và có yêu cầu. Nhưng, bản thân cơ quan Nhà nước khi đi thu thập chứng cứ còn có khó khăn nhất định, nhất là trong ủy thác thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Nếu để việc này cho đương sự lo toàn bộ thì càng khó có thể thực hiện được.

Trong khi đó, “lực lượng luật sư, trợ giúp pháp lý ở nước ta cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị. Do vậy, nếu đẩy hết cho đương sự trách nhiệm thu thập chứng cứ thì sẽ “đẩy khó khăn cho họ”, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu quan điểm.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chuyen-toan-bo-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-sang-toa-an-co-kha-thi--i349461/