Chuyện về bức thư tay của bác sĩ Trần Duy Hưng tại Bảo tàng Chiến thắng B52, Hà Nội

Hôm nay - 10/10/2024, tròn 70 năm Thủ đô Hà Nội kỷ niệm Ngày Giải phóng 10/10. Khi Thủ đô náo nức kỷ niệm 70 năm giải phóng, một trong những nhân vật được nhắc nhớ nhiều nhất là bác sĩ Trần Duy Hưng (1912 - 1988).

Tái hiện hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu Đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan, chào đón của người dân Thủ đô tại chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô tại Hà Nội ngày 6/10 vừa qua. (Nguồn: TTXVN)

Tái hiện hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu Đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan, chào đón của người dân Thủ đô tại chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô tại Hà Nội ngày 6/10 vừa qua. (Nguồn: TTXVN)

Bác sĩ Trần Duy Hưng là một người con của Hà Nội. Ông sinh ngày 16/1/1912 trong một gia đình trung lưu tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một trong bốn địa danh nổi tiếng của Thủ đô xưa Mỗ, La, Canh, Cót, là những nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước. Tiếp thu nề nếp gia phong, là người thông minh, học giỏi, ông đã chọn học nghề y.

Tốt nghiệp Đại học Y với thành tích xuất sắc, năm 1942, ở tuổi 30, ông cùng em gái mở một phòng khám tư tại số 6 phố Bông Nhuộm. Phòng khám đông khách bởi không chỉ nổi tiếng về chuyên môn giỏi, bác sĩ Trần Duy Hưng còn được đồng nghiệp và Nhân dân yêu quý, kính trọng bởi đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang, chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo. Phòng khám cũng là nơi cung cấp thuốc cho chiến khu, đồng thời là địa chỉ bí mật, là nơi gặp gỡ, che giấu các cán bộ Việt Minh.

Vừa tài năng, đức độ, lại hết lòng vì cách mạng, nên ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị bác sĩ Trần Duy Hưng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (sau này là Ủy ban nhân dân TP Hà Nội), Thủ đô của nước Việt Nam mới. Khi đó, bác sĩ Trần Duy Hưng 33 tuổi.

Mặc dù chưa hề viết một dòng hồi ký nào, song bác sĩ Trần Duy Hưng là một trong những người Hà Nội từng được nhắc đến nhiều hơn ai hết. Nói về ông, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã dành những nhận xét đầy trân trọng: “Ông là “vị Chủ tịch thành phố lâu nhất, giỏi nhất, được dân yêu nhất”. Lâu nhất, bởi ông nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội ngay sau Cách mạng Tháng 8/1945, rồi rời Hà Nội lên chiến khu cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Trở về Thủ đô năm 1954 với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông lại được giao trọng trách Chủ tịch TP Hà Nội cho đến tận khi về hưu vào năm 1977. Còn “được dân yêu nhất” một phần là vì lối sống giản dị, liêm khiết của ông. Tên của bác sĩ Trần Duy Hưng hiện được đặt cho một con đường lớn ở quận Cầu Giấy, phía tây Hà Nội.

Vợ chồng bác sĩ Trần Duy Hưng có 7 người con, 6 gái, 1 trai. Những người con của bác sĩ Trần Duy Hưng đều làm chuyên môn như kỹ sư địa chất Trần Quốc Ân, nhà giáo Trần Ánh Tuyết, đạo diễn điện ảnh Trần Duy Nghĩa… Trong số 7 người con của ông có Trần Thắng Lợi và Trần Chiến Thắng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trần Chiến Thắng là một trong những thanh niên Hà Nội vào thẳng chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Biết gian khổ và có thể hy sinh, nhưng bác sĩ Trần Duy Hưng - vị Chủ tịch TP Hà Nội luôn động viên các con lên đường.

Hiện nay tại Bảo tàng Chiến thắng B52 tọa lạc tại phố Đội Cấn, Hà Nội còn lưu giữ hiện vật là lá thư mang số hiệu lưu trữ 135 G - 65 được bác sĩ Trần Duy Hưng viết tay bằng bút mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in sẵn tên “Trần Duy Hưng”, đề ngày 16/4/1965. Hiện vật nằm trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu”. Đây là lá thư đích thân ông viết để xin cho các con được nhập ngũ vào năm 1965.

Lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, nguyên văn: “Kính gửi Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, đảng viên kỹ sư Tổng cục Địa chất, con trai bé là Trần Thắng Lợi 16 tuổi, học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi, những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy, tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trần Duy Hưng - Ủy ban hành chính Hà Nội”. Lá thư được viết vào thời điểm ông Trần Duy Hưng đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.

Được biết, vào năm 1997, khi Bảo tàng Chiến thắng B52 được khánh thành nhân kỷ niệm 25 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bảo tàng đã huy động tất cả nhân viên sưu tầm các hiện vật liên quan. Lá thư của ông Trần Duy Hưng đã “về” với Bảo tàng trong dịp này. Ghi chép trong sổ lưu trữ cho thấy, lá thư của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng được sưu tầm từ Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô vào tháng 11/1999.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-ve-buc-thu-tay-cua-bac-si-tran-duy-hung-tai-bao-tang-chien-thang-b52-ha-noi-post528113.html