Trách nhiệm người cầm bút

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Vậy nên, với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, hướng đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh, văn minh, cho nên, dù thông tin, tuyên truyền, phản ánh bất cứ vấn đề gì trong xã hội, dù ca ngợi, cổ vũ hay phê bình, phê phán, nhà báo phải luôn chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Hơn nữa, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là 'góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt'.

Dấu chấm luôn ở sau ngoặc đơn và ngoặc kép

Luật pháp và đạo đức nghề nghiệp quy định là vậy, nhưng tiếc rằng, thực tế cuộc sống những năm gần đây cho thấy đã và đang xuất hiện tình trạng làm báo không những yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn cẩu thả, trái với đạo đức nghề báo, coi thường độc giả…, đặc biệt là trong việc sử dụng ngôn ngữ. Cụ thể là có không ít nhà báo, trong đó có người trực tiếp viết tin, bài và cả những người biên tập sử dụng ngôn ngữ không những cẩu thả, thiếu trách nhiệm mà còn không chuẩn xác. Bằng chứng là không chỉ có trên các trang báo điện tử, mà ngay cả nhiều tờ báo in, nhà xuất bản có uy tín thuộc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã sự dụng dấu chấm đối với câu hoặc sau cụm từ có dấu ngoặc kép. Theo đó, với câu đặt trong dấu ngoặc kép, nhẽ ra phải đóng ngoặc kép rồi mới chấm câu, thì nhiều tờ báo, nhà xuất bản làm ngược lại, chấm rồi mới đóng ngoặc. Ví dụ như mới đây có nhà báo đã trích ý kiến trong buổi hội thảo của một đại biểu như sau: “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số.”

Trong khi đó, quy tắc chính tả của tiếng Việt đã quy định rõ, dấu chấm chỉ có thể ở ngoài ngoặc khi ngoặc đơn và ngoặc kép đứng ở cuối câu. Bởi lẽ, dấu chấm câu là để kết thúc, chấm dứt một câu. Nếu đặt dấu chấm vào trong ngoặc đơn hay ngoặc kep đều là sai, vì bởi dấu ngoặc đơn hay ngoặc kép kia mới là tận cùng của câu ấy. Ngôn ngữ nước khác đặt quy tắc thế nào là chuyện của người ta, còn ngôn ngữ Việt từ xưa tới nay chỉ đặt dấu chấm khi đã hết câu hoắc kết thúc một câu. Đọc lại những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…, chúng ta đều thấy các tác giả thời xưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc này. Một khi đã là nguyên tắc, là quy chuẩn được nhiều thế hệ thừa nhận và áp dụng thì lại có chuyện mạnh ai nấy thích thì làm ngược lại như vậy thì cón gì là chuẩn mực. Điều đáng buồn là đây không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của những người cầm bút đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, thế nhưng chẳng thấy các cơ quan chuyên môn như Viện Ngôn ngữ, hay Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc Viện Văn học…, có ý kiến gì.

Sự nhầm lẫn giữa hai từ “truyền” và “chuyền”

Có lẽ vì thiếu sự quan tâm của các cơ quan chức năng như nói ở trên nên hiện nay, không chỉ việc sử dụng dấu chấm, mà ngay cả việc viết, nói những từ gần giống nhau về âm đọc và khá giống nhau về nghĩa đang bị lạm dụng lệch chuẩn một cách vô lý, cụ thể là với hai từ “truyền” và “chuyền”. Theo đó, đối với từ “chuyền” nếu xét dưới góc độ danh từ thì “chuyền” là danh từ chỉ vật như bóng chuyền, đánh chuyền, dây chuyền vàng, băng chuyền, dây chuyền sản xuất... Còn xét dưới góc độ động từ, “chuyền” chuyền là sự di chuyển quãng ngắn như chim chuyền cành, chuyền bóng, chuyền tay nhau...Với từ “truyền”, xét về động từ cũng là chỉ sự di chuyển nhưng không ngắt quãng, liên tục và mang tính trừu tượng như truyền nghề, truyền ngôi, tuyền nhiệt, truyền điện, tuyền nước, truyền máu, truyền đạo, truyền gọi… Nói tóm lại “truyền” là động từ chỉ sự di chuyển liền mạch, liên tục, trừu tượng và khó khó phân biệt được bằng mắt thường.

Xét về từ nguyên thì “chuyền” có nguồn gốc từ chính “truyền”. Vì trong tiếng Hán, “truyền” có nghĩa là “từ chỗ này giao cho chỗ kia, từ đời trước để lại đời sau. Khi hòa nhập với tiếng Việt, một mặt nó được Việt hóa hoàn toàn với âm đọc và ý nghĩa là “truyền” như chúng ta dùng hiện nay. Mặt khác, nó bị biến thể thành “chuyền”. Dĩ nhiên, sự biến đổi này dẫn đến sự thay đổi nhất định về nghĩa. Theo từ điển tiếng Việt, chúng ta có thể phân biệt “chuyền” và “truyền” trên mấy phương diện sau: Về đối tượng kết hợp, “chuyền” thường kết hợp với những đối tượng rời, hình dạng cố định, cụ thể, có thể thấy được. Ví dụ như, chuyền bóng, chuyền nhau tờ báo, chú khỉ chuyền từ cành này sang cành khác,… Còn “truyền” thường kết hợp với những đối tượng nguyên khối, hình dạng không cố định hoặc trừu tượng, không thể nhìn thấy. Ví dụ, tryền máu, truyền dịch, truyền bệnh, truyền điện, truyền nhiệt, truyền thanh, truyền hình, truyền tin, truyền nghề…

Đối với “truyền”, vì là từ Hán Việt nên chủ yếu kết hợp với các yếu tố Hán Việt khác để tạo nên những tổ hợp Hán Việt có tính chất khái quát, trừu tượng. Ví như: gia truyền, truyền thống, truyền kiếp, truyền kỳ, lưu truyền, thất truyền, chân truyền, truyền bá, truyền đạt, truyền thụ, truyền giáo, truyền đạo, di truyền, truyền cảm, truyền thông, truyền nhiễm, truyền thần… Trong khi đó, “chuyền” là từ Việt có gốc Hán nhưng biến thể nên chủ yếu kết hợp với các từ thuần Việt để tạo nên những tổ hợp mang tính chất cụ thể, sinh động; chẳng hạn: bóng chuyền, băng chuyền, đường chuyền, chim chuyền cành, chuyền tay nhau…Tóm lại, “chuyền” và “truyền” giống nhau là “từ chỗ này chuyển đến chỗ kia”, nhưng “truyền” là từ Hán Việt, có khả năng kết hợp rộng và số lượng kết hợp lớn với những đối tượng trừu tượng hoặc không có hình dạng cụ thể. Ngược lại, “chuyền” là từ gốc Hán đã bị biến thể thành tiếng Việt, khả năng kết hợp hạn chế, số lượng kết hợp cũng không nhiều, chủ yếu đi với một số đối tượng cụ thể.

Thế nhưng trong giao tiếp hằng ngày cũng như trên các trang báo điện tử, báo in và thậm chí có cả trong văn bản chỉ đạo của không ít cơ quan Nhà nước đã không phân biệt rõ ràng ngữ nghĩa của hai từ “chuyền” và “truyền”, nên dẫn đến sử dụng nhầm giữa lẫn hai từ này. Ví dụ, khi hỏi thăm sức khỏe của người bệnh, có không ít người đã vô tư trả lời rằng: Anh ấy đã khỏe nhờ được “chuyền” dịch (truyền dịch). Thậm chí có người khảng định một cách thản nhiên rằng, “Vi-rút Corona (COVID-19) lây “chuyền” từ người sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh”. Chưa hết, tình trạng sử dụng nhầm lẫn nghĩa của từ “truyền” và “chuyền” trong cả nói và viết hiện nay khá phổ biến ở những vùng, miền nói ngọng về chữ “ch” và “tr”.

Yêu cầu trước hết đối với người làm báo chuyên nghiệp là phải phải thạo về ngôn ngữ, giỏi về sử dụng ngữ nghĩa của tiếng Việt. Hơn nữa, với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, hướng đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh, văn minh, cho nên, dù thông tin, tuyên truyền, phản ánh bất cứ vấn đề gì trong xã hội, dù ca ngợi, cổ vũ hay phê bình, phê phán, nhà báo phải luôn chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Chỉ có như vậy nhà báo mới thực sư góp phần mang đến những thông tin trung thực, chính xác, lành mạnh, tích cực, nhân văn cho công chúng và xã hội.

Diệp Viên - Đặc san Người làm báo Bình Phước, số tháng 9-2024

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/163770/trach-nhiem-nguoi-cam-but