Có chỉ báo rõ ràng chứng minh giai đoạn khó khăn của trái phiếu doanh nghiệp đã qua

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ổn định; giá trị trái phiếu rủi ro cao giảm rõ rệt; tính minh bạch thông tin cải thiện; nhiều doanh nghiệp chủ động xếp hạng tín nhiệm; giá trị giao dịch thứ cấp tăng… Đây là những dấu hiệu rõ ràng minh chứng cho giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua. Xung quanh diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating).

Hoạt động doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh tư liệu

Hoạt động doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh tư liệu

PV: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thị trường TPDN từ đầu năm 2024 tới nay?

Ông Trần Lê Minh: Đúng là thị trường TPDN đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy rủi ro về nợ xấu phát sinh mới chưa giảm rõ rệt và việc xử lý các khoản nợ đã mất khả năng thanh toán gốc và lãi chưa có các thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, nhưng nếu nhìn vào quy mô thị trường TPDN đã ổn định. Quy mô thị trường đã có sự ổn định lại từ quý III/2023 tới nay sau giai đoạn suy giảm mạnh từ đầu quý II/2022, hiện tại đang ở mức hơn 1,16 triệu tỷ đồng.

Giá trị trái phiếu có rủi ro mất khả năng thanh toán trong năm 2024 được dự báo giảm rõ rệt so với năm 2023. Tổng giá trị TPDN được dự báo có rủi ro cao trong năm 2024 là 42 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể nếu so với giá trị TPDN đã mất khả năng thanh toán gốc và lãi riêng trong quý I/2023 là 59 nghìn tỷ đồng và cả năm 2023 là 147 nghìn tỷ đồng.

Thị trường cũng đã thật sự bước vào giai đoạn phát triển mới từ năm 2024 khi các quy định pháp luật làm thay đổi đáng kể tính minh bạch của thị trường. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành mới đạt 67,1 nghìn tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm cũng phát sinh 7 tổ chức không đáp ứng được nghĩa vụ nợ lần đầu, giảm mạnh so với 36 tổ chức trong cùng giai đoạn của năm 2023. Điểm sáng nữa là tỷ lệ phát hành TPDN ra công chúng đã tăng lên mức 26% tổng giá trị phát hành lũy kế trong năm tính tới hết tháng 4/2024 và là lần đầu đạt tỷ lệ này. Một điểm trừ là tỷ lệ lũy kế trái phiếu mất khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ trên tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành chưa có sự suy giảm so với năm 2023 và duy trì ở mức 16,1% tính tới hết tháng 5/2024.

Mặc dù thị trường còn nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng tôi cho rằng, đó là những dấu hiệu rõ ràng cho việc thị trường TPDN Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

PV: Thị trường năm nay có điểm mới là các quy định chặt chẽ tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực. Ông đánh giá như thế nào về các quy định này trong bối cảnh thị trường mới hồi phục trở lại? Liệu các quy định này có tác động tới khối lượng trái phiếu phát hành trong thời gian tới?

Ông Trần Lê Minh: Tôi đánh giá rất cao các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP và việc đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào hoạt động. Các quy định mới này đã giải quyết được hai điểm yếu của thị trường trong giai đoạn 2018 - 2022 là tính minh bạch thông tin và việc bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, đặc biệt là người đầu tư cá nhân. Hiện tại nhà đầu tư đã có thể tìm thấy các thông tin về trái phiếu và tổ chức phát hành được công bố trên trang Cbond.hnx.vn của HNX. Đây là một thay đổi lớn so với giai đoạn trước khi các thông tin về TPDN rất tản mát và khó tiếp cận, ngay cả đối với nhà đầu tư tổ chức.

Chúng tôi cho rằng, thị trường đang bước vào giai đoạn phát triển mới xuất phát từ nguyên nhân chính là sự thay đổi về tính minh bạch của thị trường sau khi các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP được áp dụng toàn bộ. Chẳng hạn như việc quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp khi phát hành trái phiếu sẽ cung cấp các thông tin ban đầu về mức độ rủi ro của trái phiếu cho nhà đầu tư. Qua thời gian, khi thói quen sử dụng xếp hạng tín nhiệm được hình thành, sẽ hình thành được đường cong lãi suất liên quan tới mức độ rủi ro của trái phiếu, từ đó sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.

Bên cạnh đó, các quy định của Nghị định 65/2022/ND-CP cũng nâng cao các điều kiện cần thiết để phát hành trái phiếu và trách nhiệm của tổ chức phát hành đối với việc sử dụng số tiền thu được. Tất cả các điểm này đều sẽ giúp thị trường TPDN phát triển ổn định với chất lượng cao hơn.

Do vậy, tôi cho rằng, việc phát hành TPDN sẽ không bị ảnh hưởng lớn khi áp dụng các quy định nêu trên. Giá trị phát hành trái phiếu có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2024 so với năm 2023, song việc phát hành trái phiếu và thanh toán gốc, lãi sẽ đi vào quy củ hơn.

PV: Ông có dự báo gì về xu hướng của thị trường TPDN từ nay tới cuối năm?

Ông Trần Lê Minh: Trong thời gian tới, một trong những xu hướng có thể nhận thấy đó là các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục là nhóm phát hành trái phiếu mới lớn nhất thị trường. Các ngân hàng rất chủ động trong việc minh bạch thông tin và thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Nhóm công ty bất động sản đang có các động thái khác biệt đối với TPDN. Một số công ty đã trả trước hạn và không còn duy trì số dư trái phiếu để chứng minh năng lực tài chính. Một số công ty khác đang tích cực phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ và huy động thêm vốn. Nhìn chung, nhóm các công ty bất động sản sẽ tiếp tục là nhóm phát hành TPDN chính.

Một xu hướng rõ rệt khác là tỷ trọng phát hành TPDN ra công chúng sẽ gia tăng.

Nhìn tổng quan, xu hướng chậm trả gốc và lãi của các trái phiếu đang giảm dần, tuy nhiên rủi ro về gia tăng quy mô trái phiếu không đáp ứng được nghĩa vụ nợ sẽ tập trung vào quý IV năm nay, do một số khoản trái phiếu có giá trị lớn và có rủi ro cao sẽ đáo hạn. Nếu xảy ra việc không đáp ứng được nghĩa vụ nợ xảy ra đối với các trái phiếu này, tỷ lệ không đáp ứng được nghĩa vụ nợ sẽ gia tăng đáng kể cho cả năm 2024. Việc xử lý quyền lợi cho nhà đầu tư sau khi phát sinh sự kiện trái phiếu chậm trả gốc và lãi đã ổn định từ quý III/2023 tới nay và cách xử lý chính vẫn là gia hạn thời gian trái phiếu, chiếm tới 79% số trường hợp đã xử lý, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của năm.

Tôi cũng thấy các công ty chủ động trong việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm để chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu trong các năm tiếp theo, đây cũng là một xu hướng mới rất phù hợp và tích cực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường thứ cấp có sự thay đổi đáng về giá trị giao dịch

Giá trị giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp đã có sự thay đổi đáng kể với giá trị giao dịch bình quân hàng tháng trong năm 2024, tăng 147% so với bình quân trong 7 tháng của năm 2023. Bình quân giá trị giao dịch hàng tháng năm 2024 đã đạt mức 9,8% quy mô thị trường so với mức 4% của năm 2023. Các thị trường phát triển cho thấy có tương quan thuận giữa giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức độ phát triển của thị trường. Tại các thị trường phát triển tốt trong khu vực như Thái Lan, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tương đương 30% quy mô thị trường (quy mô đạt 142 tỷ USD năm 2023).

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-chi-bao-ro-rang-chung-minh-giai-doan-kho-khan-cua-trai-phieu-doanh-nghiep-da-qua-154475.html