Cơ hội giao thương, quảng bá du lịch sản phẩm đặc sản

Với 52/54 làng có nghề, Hoài Đức đang khai thác tiềm năng cũng như lợi thế của đất làng nghề để phát triển các sản phẩm OCOP. Vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, Hoài Đức đồng thời thu hút khách du lịch đến với huyện thông qua những làng nghề truyền thống.

Huyện Hoài Đức hiện có 52/54 làng có nghề và có 12 làng nghề được Thành phố công nhận. Nơi đây, cũng có hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm và các trang trại, nông trại sản xuất rau an toàn. Đến nay, huyện có 95 sản phẩm OCOP của 36 doanh nghiệp và hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận. Trong đó, sản phẩm thực phẩm chiếm 90%, đây là các sản phẩm đặc sắc đến từ các làng nghề truyền thống của huyện. Việc khai thác được tiềm năng lợi thế vùng đã giúp cho Hoài Đức thu hút được khá nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Có thể nói, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" đã tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, phát huy những giá trị tiềm năng của các làng nghề, đặc sản vùng miền. Thông qua đó, đưa được nhiều sản phẩm chất lượng tốt của Hoài Đức đến tay người tiêu dùng, góp phần thiết thực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hoài Đức.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-hoi-giao-thuong-quang-ba-du-lich-san-pham-dac-san-200000.htm