Cơ hội và thách thức với bất động sản

Tại Tọa đàm 'Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025' do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 10/10/2024, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án cũ sau thời gian dài 'ngủ đông' đã được khởi công, chủ đầu tư đang rốt ráo hoàn tất thủ tục để đưa hàng ra thị trường.

Nhất là kể từ đầu tháng 8/2024, ba luật liên quan đến thị trường bất động sản (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023) chính thức có hiệu lực thi hành đã tạo tiền đề khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý, cũng như giúp các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc “rót vốn” vào thị trường.

TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường đang có sự thay đổi rõ ràng từ động lực chính sách và động lực hạ tầng, với điểm nhấn quan trọng khác là các chính sách tài chính và tín dụng. Từ đầu quý IV/2023 đến nay, chính sách tín dụng đã được điều chỉnh rất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế. Điều này cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả của chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng liên quan tới triển vọng ngành bất động sản, tăng trưởng của ngành dịch vụ như logistics và kho bãi đã đạt mức hai con số. Bất động sản đô thị và khu công nghiệp cũng đang phát triển theo các tiêu chuẩn bền vững. Sự phát triển này chia thành hai nhóm chính: nhóm doanh nghiệp nội địa và nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp và đô thị. Đây cũng là một xu hướng tích cực, thúc đẩy ngành logistics xoay vòng một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc cần được xem xét và tháo gỡ. Trong đó, việc thẩm định tiền sử dụng đất, xây dựng và ban hành các bảng giá đất tại các địa phương còn chậm khiến doanh nghiệp gặp khó trong phát triển và bán hàng. Ngoài ra, vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý và khan hiếm quỹ đất vẫn đang là rào cản lớn với dòng vốn FDI khi tìm đến Việt Nam.

“Thị trường bất động sản còn nhiều thách thức cần được sớm tháo gỡ để tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm. Đối với đầu tư hạ tầng, từ quy hoạch tuyến tàu cao tốc đến các hạ tầng giao thông khác là yếu tố quan trọng trong việc kết nối và phát triển kinh tế. Nếu các vấn đề về quy hoạch đường cao tốc và quốc lộ được giải quyết thì việc kết nối kinh tế sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Các quy trình quản lý công và hành chính công cần được cải thiện để tăng cường tính hiệu quả và minh bạch. Nếu không, điều này sẽ tiếp tục là một rào cản lớn cho sự phát triển của các dự án kinh tế và hạ tầng trong thời gian tới. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh dù đã có cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, nhưng việc triển khai và thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả cao và tác động chưa rõ ràng. Điều này cho thấy vẫn còn những khó khăn trong việc biến chính sách thành hành động cụ thể.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, những thay đổi trong hành lang pháp lý, quản lý và hành chính sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. Những quy định mới này có thể chuyển đổi điểm nghẽn hiện tại sang một nền tảng luật pháp mới. Tuy nhiên, để giải quyết được các điểm nghẽn đó, cần có sự phối hợp đồng bộ và sự linh hoạt trong triển khai chính sách của cơ quan chức năng.

“Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần có sự thích ứng linh hoạt. Với khung pháp lý mới, nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh, điều chỉnh chiến lược và định hướng phát triển dài hạn. Một số dòng sản phẩm cũng cần thay đổi theo hướng đầu tư mới phù hợp với sự biến động của thị trường”, ông Châu nhấn mạnh.

T. Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-va-thach-thuc-voi-bat-dong-san-156548.html