Có một 'gia đình' mang tên Phù Sa
Nhóm múa Phù Sa thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Từ tháng 4/2022 đến nay, Phù Sa đã cùng Trung tâm tham gia nhiều hội thi lớn và đều giành được kết quả nổi trội. Đằng sau những vinh quang ấy là nỗ lực không ngừng của từng cá nhân và tập thể 'gia đình' Phù Sa.
"Gia đình" Phù Sa
Không biết tự bao giờ, các thành viên nhóm múa Phù Sa gọi nhau là gia đình. Từng cá nhân trong nhóm gắn bó với nhau không chỉ vì công việc mà còn vì cùng một tình yêu dành cho múa. Phù Sa hiện có trên 20 thành viên nhưng chỉ có khoảng 10 thành viên là nhân viên chính thức đang làm việc tại Trung tâm, các thành viên còn lại là cộng tác viên. Ai cũng có công việc riêng, họ gắn bó với nhóm đơn giản vì tình yêu dành cho múa và cho gia đình thứ 2 của mình.
Chị Hồ Thị Tuyết Anh (giáo viên Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) là một trong những thành viên gắn bó với Phù Sa từ những ngày đầu thành lập cho đến nay. Vừa là giáo viên, lại có công việc kinh doanh riêng nhưng chị vẫn dành thời gian gắn bó với Phù Sa. Bất cứ khi nào có hoạt động biểu diễn, chị đều sắp xếp công việc để có mặt cùng mọi người. Chị gọi đó là tình yêu và duyên số. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ múa tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh từ nhỏ, chị Tuyết Anh biết múa chắc chắn là một phần cuộc sống của mình nên dù đã có công việc ổn định, chị vẫn dành thời gian tham gia Phù Sa, dù công việc ấy chiếm rất nhiều thời gian và khiến chị thêm phần vất vả.
Đi sớm, về khuya là điều không thể tránh khỏi khi đa phần các thành viên của Phù Sa đều có công việc riêng. Thời gian tập luyện phải sắp xếp phù hợp với tất cả mọi người, chủ yếu là vào ban đêm, có hôm đến 22 giờ, cả nhóm mới bắt đầu tập luyện. Biên đạo múa Phong Nguyễn - Trưởng nhóm múa Phù Sa, kể: “Thời điểm tham gia Hội thi Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, chúng tôi khá vất vả. Phần vừa trở về từ Hội thi Múa không chuyên toàn quốc, mọi người vẫn còn khá mệt, phần vì một số thành viên đang chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học nên không có nhiều thời gian. Cứ sắp xếp được lúc nào là tập lúc ấy, bất kể ngày đêm, có lúc tập từ 22 giờ đến 2 giờ sáng, mọi người về nhà nghỉ ngơi một chút lại phải đi làm”.
Những vất vả đó chỉ khiến các thành viên Phù Sa thêm gắn bó nhau hơn. Vì không có thời gian nên ai nấy đều tập trung cao độ trong lúc tập luyện, nghe theo hướng dẫn của biên đạo và nỗ lực tập luyện. Sau giờ tập, họ trở về là một gia đình, san sẻ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Chị Tuyết Anh kể, do tập về khuya, một số bạn nhà xa sẽ được các thành viên trong nhóm thay phiên nhau đưa về. Mọi người không yên tâm để bất kỳ ai về một mình giữa đêm khuya. Thậm chí, có người phải về lại TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, trưởng nhóm sẵn sàng đón đưa các bạn tận nhà. Chính điều đó khiến Phù Sa trở thành gia đình, thay vì chỉ là một nhóm múa.
Thành công từ sự đồng lòng
Trong vòng 3 tháng trở lại đây, Phù Sa tham gia 3 hội thi lớn: Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022, Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông và đều mang về những thành công rực rỡ với 3 Huy chương Vàng chương trình và nhiều Huy chương Vàng, Bạc cho tiết mục. Mỗi một hội thi, hội diễn, Phù Sa đóng một vai trò khác nhau nhưng không kém phần quan trọng trong thành công chung của cả đoàn. Các tiết mục tham gia hội thi đều khác nhau hoàn toàn về cả nội dung và hình thức trong khi thời gian chuẩn bị không có nhiều. Chính vì thế, Phù Sa đã phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng đến một mục tiêu chung. Biên đạo múa Phong Nguyễn kể, do đơn vị hiện khuyết vị trí đạo diễn chương trình nên anh tạm thời đảm nhiệm cả vai trò đạo diễn. Vừa sáng tác các bài múa, vừa chuẩn bị trang phục, vừa đạo diễn âm thanh, ánh sáng là một khối lượng công việc lớn và anh khẳng định mình sẽ không thể nào hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự đồng lòng, sẻ chia từ các thành viên của Phù Sa.
Dù là thành viên của một nhóm múa, công việc chính là biểu diễn múa trên sân khấu nhưng khi bắt tay thực hiện một chương trình lớn, các thành viên sẵn sàng “sắm” thêm nhiều vai khác: Phục trang, biên đạo múa,... mà không hề nhận thêm thù lao. Các thành viên làm việc đó đơn giản chỉ vì tình yêu và trách nhiệm dành cho "gia đình" Phù Sa của mình.
Nguyễn Dương Kim Tuyền (làm việc tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh) kể: “Mỗi khi có một chương trình mới, ngoài tập luyện thì các thành viên đều chia nhau hỗ trợ anh Phong Nguyễn làm đạo cụ, trang phục, kiểm tra, quản lý, sắp xếp trang phục, đạo cụ trước khi lên biểu diễn. Trong những lần tham gia các hội thi, hội diễn gần đây, chúng tôi tập ban đêm, giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ cuối tuần, thành viên nào có thời gian đều đến giúp làm phục trang, đạo cụ. Vất vả nhưng vui!”. Chị Tuyền cho biết, với chị, Phù Sa là một gia đình bởi các thành viên dù khác nhau về tuổi tác, công việc nhưng khi đã bước vào tập luyện, biểu diễn thì rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó tạo nên sự kết nối, giúp Phù Sa tồn tại và phát triển hơn 10 năm qua.
Tại khu vực miền Tây, nhóm múa Phù Sa được nhiều tỉnh, thành biết đến. Sau 3 hội thi, hội diễn mới đây, danh tiếng của Phù Sa lại càng được vang xa. Trở về từ những hội thi, có chung niềm vui chiến thắng, rồi thì các thành viên của Phù Sa lại trở về với cuộc sống hàng ngày cùng gia đình và công việc. Họ lại là giáo viên, sinh viên, nhân viên thư viện, chủ cơ sở kinh doanh,... và bất cứ khi nào Phù Sa cần, họ lại nhanh chóng trở về với vai trò là thành viên của gia đình Phù Sa./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-mot-gia-dinh-mang-ten-phu-sa-a138712.html