Có một Việt Bắc giữa lòng Tây Nguyên

Việt Bắc luôn là nỗi khắc khoải, nhớ thương của nhiều người rời xa quê hương lập nghiệp ở vùng đất mới. Bởi lẽ đó, từ nhiều năm nay, khi Tháng Giêng về, cộng đồng các dân tộc Việt Bắc lại tổ chức lễ hội Việt Bắc giữa núi rừng Tây Nguyên.

1. Năm nay, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức tại xã Cư ÊWi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Từ sáng sớm, tiếng nhạc hội đã tưng bừng khắp núi rừng. Bên trong không gian của lễ hội, đội văn nghệ của các thôn buôn đại diện cho các dân tộc Việt Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường... xúng xính trong những bộ trang phục đặc trưng của đồng bào mình. Bên cạnh đó là đội ẩm thực cũng không kém phần náo nhiệt. Các lò quay heo, vịt quay, bếp cơm lam, nấu bánh chưng nóng rực giữa cái rét mướt của màn sương sớm mai.

Biểu diễn hát Then, đàn Tính tại lễ hội.

Biểu diễn hát Then, đàn Tính tại lễ hội.

Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà Nông Thị Vì, 68 tuổi, ngụ xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã có mặt từ rất sớm. Nhà cách địa điểm tổ chức lễ hội gần 100 cây số, bà được con trai chở xe máy về từ chiều hôm trước. Hai mẹ con ở nhờ nhà người quen trong xã Cư ÊWi. Sáng nay, bà Vì vận bộ áo dài nhuộm chàm thuần túy, mang đậm đặc trưng trang phục của người Tày. Nhìn bà vẫn còn đầy đủ nét đẹp của người phụ nữ dân tộc Tày, vừa lam lũ chịu thương chịu khó lại thuần khiết, trong sáng và đầy lòng vị tha.

Bà Vì cười suốt, lòng phấn khởi, xốn xang vì ở đây gặp được nhiều đồng hương quê Cao Bằng, lại được nghe giai điệu Then bên tiếng đàn tính thân thương mà rất lâu rồi bà chưa nghe lại. Bà kể, thời con gái, được mẹ dạy hát Then, được bố truyền đàn tính. Những dịp xuân về, bà đều tham gia biểu diễn trong làng. Năm 1985, gia đình bà chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp, nỗi nhớ điệu Then, đàn tính luôn da diết thổn thức trong lòng. Đặc biệt, mỗi dịp Tết về hoặc ngày lễ hội lớn, bà mong mỏi được tham gia, được biểu diễn làn điệu dân tộc mình. Năm nay, bệnh xương khớp tái phát, đầu gối sưng vù gây khó khăn trong việc đi lại nhưng bà vẫn một mực đòi con cháu chở đi xem lễ hội.

Không chỉ bà Vì ở xa về, còn có bà Nông Thị Mình (72 tuổi, ở huyện Krông Ana), bà Nông Thị Mê (70 tuổi, huyện Krông Bông)... và nhiều cụ ông cụ bà khác vì còn da diết với truyền thống văn hóa quê hương mà lặn lội về thăm, hội ngộ cuộc vui anh em Việt Bắc trên đất Tây Nguyên.

Cuộc thi ẩm thực mang phong vị Việt Bắc.

Cuộc thi ẩm thực mang phong vị Việt Bắc.

Gia đình bà Mình có 3 chị em gái thì cả 3 đều biết hát Then, chơi đàn tính. Di cư vào vùng đất mới, những năm đầu tiên, gia đình bà Mình ở sâu trong rừng làm rẫy, trồng lúa. Hai em gái mỗi người ở một vùng đất, cách xa nhau mấy quả đồi, vài con suối. “Một năm chúng tôi đi thăm nhau một lần trong dịp giỗ ông bà. Chỉ những lần hội ngộ hiếm hoi như thế chúng tôi mới nhắc lại điệu hát, tiếng đàn, hồi ức về năm tháng xa xưa mà thèm, mà tủi. Bây giờ kinh tế tạm ổn, các con đón ra ngoài ở, đường sá đi lại dễ dàng thì tuổi đã “gần đất xa trời”, chúng tôi không còn đủ minh mẫn để hát múa nữa nhưng vẫn còn tình yêu sâu nặng với làn điệu dân ca của người Tày”, bà Mình cười, kể chuyện.

Điệu Then, đàn tính là một trong những tiết mục đặc sắc của lễ hội năm nay. Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người. Âm thanh đàn tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Năm 2019 “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

2. Một trò chơi không kém phần kịch tính và vui nhộn trong lễ hội phải kể đến là ném còn. Trở về xã Cư ÊWi từ 2 ngày trước, anh Đinh Văn Hiền, 35 tuổi, quê Mộc Châu, Sơn La, hiện ngụ xã Ea Kuêh, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk háo hức tham gia trò chơi ném còn. Anh Hiền kể, trò chơi gắn với tuổi thơ của anh ở núi rừng Tây Bắc. Tròn 10 năm từ ngày xa quê, anh chưa có cơ hội được chơi nên năm nay quyết tâm trở về lễ hội để tham gia. Những trái còn không ngừng được tung lên, xoáy vào vòng tròn cao vút trên cây nêu, cuốn hút hàng trăm cặp mắt hướng lên trời. Mọi cung bậc cảm xúc được dồn nén và vỡ òa vui sướng khi quả còn lọt qua vòng tròn tâm đạo.

Niềm vui của những phụ nữ dân tộc Tày khi được trở về tham dự lễ hội.

Niềm vui của những phụ nữ dân tộc Tày khi được trở về tham dự lễ hội.

Dù mắt đã mờ nhưng ông Hoàng Văn Ninh, 77 tuổi, ngụ huyện Ea Ka, vẫn say sưa xem nam thanh nữ tú thi ném còn trong tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt của dân làng. Tuổi tác và thời gian có thể lấy đi của ông nhiều thứ, nhưng ký ức về những mùa xuân trên bản làng Yên Bái quê hương vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Trong từng câu khắp, điệu xòe, ánh mắt giao duyên đều ngời sáng cất lên những cồn cào, day dứt cùng nỗi nhớ cháy bỏng về thời trai trẻ. Các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, lẩy cỏ, hội thi ẩm thực, cắm trại... đã kéo ông Ninh về lại thời thanh xuân sôi nổi của mình. “Tuổi trẻ của tôi gắn liền với những mùa xuân lễ hội ở Tây Bắc. Cứ tháng Giêng về, trai tráng ở khắp bản làng lại xuống chợ huyện tham gia các trò chơi dân gian. Chúng tôi say sưa chơi có khi quên mất thời gian trở về nhà. Chúng tôi kiếm được vợ cũng từ những mùa lễ hội dân gian này”, ông Ninh vui sướng kể.

Cán bộ chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ phân luồng giao thông dịp lễ hội.

Cán bộ chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ phân luồng giao thông dịp lễ hội.

Sinh sống ở vùng đất mới, cách xa quê hương Yên Bái hàng ngàn cây số, những người già như ông Ninh ít có cơ hội về thăm quê hương nên mùa lễ hội Tây Bắc được tổ chức tại Tây Nguyên lần nào ông Ninh cũng về dự. Những năm trước, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk là địa phương tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, bà con các dân tộc Tây Bắc kéo về dự đông vui như trẩy hội. Với 81% dân số là người dân tộc Tày, Nùng, Ea Tam được mệnh danh là Việt Bắc thu nhỏ trên vùng đất Tây Nguyên, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.

Lễ hội mở màn bằng nghi lễ “cúng Nàng Hai” vào dịp rằm tháng Giêng, vì theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày trên cung trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên - con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng cho dân, giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống.

Nhiều cụ già đến từ rất sớm tham gia lễ hội.

Nhiều cụ già đến từ rất sớm tham gia lễ hội.

Lễ hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc Việt Bắc đang sinh sống từ khắp mọi nơi trở về gặp nhau, uống với nhau chén rượu ngày xuân, kể cho nhau nghe chuyện mưu sinh lập nghiệp ở xứ người. Ông Ninh hạnh phúc khi gặp lại vài người bạn thiếu thời, tất cả đều đã chân yếu tay run, cuộc hội ngộ vì thế càng thêm ý nghĩa.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Cư ÊWi, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc năm 2023 cho biết: “Vào dịp đầu xuân năm mới, nhằm gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, hằng năm xã tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Cư ÊWi được tham gia giao lưu học hỏi các giá trị truyền thống, nhằm thắt chặt tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn xã và các dân tộc anh em tại thôn buôn lân cận.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 đến hết ngày 12 tháng Giêng) với các tiết mục văn hóa nghệ thuật như: Hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, Sình ca của dân tộc Cao Lan, Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... cùng các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Bắc.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/co-mot-viet-bac-giua-long-tay-nguyen-i682942/