Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường?
Cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Góp ý vào dự thảo này, nhiều chuyên gia tranh luận về việc có nên mở rộng đối tượng chịu thuế, đặc biệt là việc bổ sung nước giải khát có đường. Theo giải trình của Bộ Tài chính, việc bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì. Tuy nhiên công cụ thuế liệu có thực sự giải quyết được các mục tiêu này?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao mà cụ thể là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calories trong khi thiếu các vận động thể chất.
Ở trong nước, Bộ Y tế cũng đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì. Bên cạnh nguyên nhân dinh dưỡng, thừa cân béo phì còn do thiếu hoạt động thể chất, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, tuổi tác, giới tính, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hay các yếu tố về gen di truyền hoặc nội tiết tố.
Theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng, hoạt động thể lực kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thừa cân béo phì ở lứa tuổi học đường tại Việt Nam. Ngoài ra, thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh THCS lên 1,154 lần.
Các chuyên gia cho rằng, nếu đường được coi là thủ phạm của các loại bệnh này thì việc chỉ áp thuế đối với một mặt hàng có chứa đường là nước giải khát sẽ không hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều đường và có hàm lượng calories cao hơn đang sẵn có trên thị trường như kẹo, bánh, kem, đồ ăn nhanh, sữa ...
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.
Theo một báo cáo được CIEM mới nghiên cứu, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này, sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng. Trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.
Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065 - 0,085%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh chiến lược (ở cấp khu vực) để nhập khẩu thay vì sản xuất do chi phí trong nước cao. Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Minh Thảo, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường… và cả nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát cho hay, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ./.