Cơ quan làm công tác dân tộc, một chặng đường vẻ vang
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn kề vai, sát cánh bên nhau trong đấu tranh và dựng xây đất nước. Với 54 dân tộc thống nhất đa dạng, cư trú xen kẽ và phân tán trên mọi vùng miền của đất nước, bản sắc văn hóa từng dân tộc cùng với sự đa dạng của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/5/1946, Nha Dân tộc thiểu số, tiền thân của Ủy ban Dân tộc được thành lập. Từ đó đến nay, cơ quan làm công tác dân tộc trải qua chặng đường lịch sử 78 năm với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, khi là cơ quan độc lập, khi được lồng vào Ban Dân tộc Trung ương của Đảng.
Với chức năng, nhiệm vụ: Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Công việc đầu tiên của Nha DTTS là mở trường đào tạo cán bộ dân tộc mang tên: “Nùng Chí Cao” tại Hà Nội. Nha dân tộc thiểu số đã tham gia công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ. Nha DTTS còn có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trên lãnh thổ Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc.
Từ sau năm 1954, công tác dân tộc với những nội dung và hình thức hoạt động mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng (1954 - 1975), thời kỳ này công tác dân tộc có hai nhiệm vụ chính: Ở Miền Nam, cơ quan công tác dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục, gồm: các tỉnh Tây nguyên, miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các tỉnh duyên hải Trung bộ, vận động đồng bào các DTTS xây dựng căn cứ địa vững chắc, tổ chức đồng bào trực tiếp chiến đấu đánh địch lập nhiều chiến công to lớn, nhiều thắng lợi vẻ vang, đoàn kết các dân tộc được tăng cường gắn bó trong đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ở miền Bắc trong thời kỳ này tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và là hậu phương vững chắc cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, công tác dân tộc được triển khai trên phạm vi cả nước với những nội dung và yêu cầu mới: Tập trung cho sản xuất, ổn định đời sống, giải quyết các vấn đề xã hội do hậu quả chiến tranh để lại… Tiếp tục đẩy mạnh công tác định canh định cư, theo dõi kiểm tra việc thực hiện các chính sách xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với quân dân cả nước anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành qui định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Ban dân tộc Trung ương và của các tỉnh: “Ban dân tộc là cơ quan tham mưu giúp Trung ương (hoặc cấp ủy địa phương) về vấn đề dân tộc ít người”. Từ năm 1979, cùng với Ủy ban dân tộc của Chính phủ, có Ban dân tộc của Trung ương với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức như trên. Đến năm 1987, giải thể Ủy ban dân tộc của Chính phủ.
Để tăng cường sự điều hành của Chính phủ đối với công tác dân tộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập Văn phòng Miền núi và dân tộc để giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo công tác miền núi và dân tộc. Ngày 5/10/1992, Bộ chính trị quyết định hợp nhất hai cơ quan Ban dân tộc Trung ương, Văn phòng miền núi và dân tộc thành cơ quan Ủy ban dân tộc và miền núi. Năm 2002, theo nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI, Ủy ban dân tộc và Miền núi trở lại với tên gọi Ủy ban dân tộc.
Tỉnh Cao Bằng, có 8 dân tộc chính: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô lô, Hoa và các dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống. Tuy các dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa, tiếng nói và tín ngưỡng khác nhau, xong đồng bào các dân tộc trong tỉnh đều đoàn kết một lòng tin theo Đảng cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Với chức năng, nhiệm vụ giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng các chương trình hành động, đề ra các giải pháp, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Ban Dân tộc tỉnh từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và ổn định tình hình dân tộc trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh.
Trong những năm gần đây dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, đến nay tình hình đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc đã có những bước phát triển mạnh, vững chắc, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao rõ nét; ổn định về chính trị, tư tưởng, đồng bào phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt trong những năm gần đây công tác dân tộc của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Về phát triển kinh tế, đã thực hiện một số chính sách dân tộc đối với các vùng, miền có đồng bào DTTS được UBND tỉnh xác định và thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn như Chương trình 134, 135... Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất cao từng bước ổn định cuộc sống đồng bào, xóa đói giảm nghèo.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đến nay đã có 100 % số xã về cơ bản đã hoàn thành phổ cập tiểu học trong độ tuổi. Ở tỉnh và một số huyện ngoài hệ thống trường phổ thông trung học còn có trường trung học cơ sở nội trú để ưu tiên cho con em các DTTS được đi học và tạo nguồn cán bộ DTTS cho địa phương; Các hoạt động văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc trong thời gian qua đã đạt được những thành quả quan trọng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Chăm lo phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng đến nay các trạm y tế ở xã đều có tủ thuốc, có đội ngũ y, bác sỹ... và các thiết bị y tế từng bước được nâng cao.
Về công tác tổ chức, đào tạo cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Trong không khí sôi nổi thi đua chào mừng kỷ niệm 525 nămthành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2024),80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2024 là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng, biểu thị sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, với truyền thống cần cù, sáng tạo, trong thời gian tới, các dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng vượt qua khó khăn, vươn lên, tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp hơn nữa, cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH, phấn đấu xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng giàu đẹp.