Cổ vật vô giá triều Nguyễn: Bài 9 (bài cuối) - Kim ấn vị vua cuối cùng hồi hương

Việc đưa ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật bị thất lạc mà còn giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Mới đây dư luận ở trong và ngoài nước xôn xao trước thông tin hãng đấu giá Millon (Pháp) thông báo tổ chức đấu giá hai cổ vật là đồ ngự dụng của Việt Nam, trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo".

Đây là báu vật được chế tác dưới triều Hoàng đế Minh Mạng, được tổ chức đấu giá ra giá khởi điểm từ 2.000.000 - 3.000.000 Euro.

Theo mô tả của đơn vị tổ chức đấu giá, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" là ấn triện bằng vàng quý hiếm, được chế tác với đế kép hình vuông, tay cầm được đúc một con rồng 5 móng, thúc chạm rất tinh xảo, trên tráng của rồng có chạm khắc chữ 王 (Vương).

Đuôi rồng cong lên phía sau đầu và uốn lượn theo hình xoắn ốc, vây trên lưng nổi bật tô điểm cho cơ thể khỏe mạnh, trên thân rồng có vảy đều đặn, phần đầu với đôi sừng hươu dũng mãnh, phía dưới là mồm sư tử uy nghi với răng nanh lộ rõ. Bốn chân rồng bám chắc chắn trên mặt đế với năm móng vuốt vươn ra mạnh mẽ. Phía dưới đế có khắc "Hoàng đế chi bảo".

Chạy dọc hai bên cạnh của đế hình vuông là hai dòng chữ Hán: Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo. Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân.

Số liệu lịch sử cho thấy, có tới hơn một trăm con dấu đã được tạo ra trong suốt 143 năm của Vương triều Nguyễn. Các loại ấn được làm bằng vàng, ngọc, ngà, bạc và đồng được các thành viên hoàng gia khác nhau tùy theo cấp bậc cũng như các quan chức sử dụng. Dưới thời Minh Mạng, người ta đã chế tạo được 15 ấn ngọc và ấn vàng, tính cả chiếc ấn đấu giá này. Đây là một trong những chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất.

Kim ấn này được xem là "biểu tượng quyền lực" của các vua Nguyễn và được truyền từ Hoàng đế Minh Mạng cho các đời vua Nguyễn sau này, cuối cùng là Bảo Đại. Sau khi cựu hoàng Bảo Đại mất ở Pháp, kim ấn được chuyển thừa kế cho vợ là bà Monique Baudot và được con cháu trong gia đình gìn giữ đến nay.

Sau khi nhận được thông tin bán đấu giá, Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho phép tỉnh được huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực này để thương lượng mua lại kim ấn "Hoàng đế chi bảo".

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này sẽ phối hợp với bộ ngoại giao thông qua các đại sứ quán của Việt Nam trên toàn thế giới hổ trợ để đưa cổ vật về nước. Thông qua ngoại giao văn hóa để tuyên truyền chính sách của Việt Nam trong việc nổ lực tìm kiếm để đưa cổ vật về nước. Đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các cơ quan khác tạo điều kiện khi đưa cổ vật về nước không bị rào cản về thuế quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thông tin cho biết kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã ghi nhận thành công và các bên đang xúc tiến những bước tiếp theo.

Việc đàm phán giữa hai bên về việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đảm bảo đúng các bước trong lộ trình thực hiện phương án hồi hương cổ vật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với hãng đấu giá Millon để thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước.

Việc hồi hương được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” không chỉ bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc mà còn khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết trong quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Sự việc cũng góp phần nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Lời kết

Trong khuôn khổ 9 bài viết không đủ để nói ra hết những câu chuyện về cổ vật thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên với những bài viết đã đăng tải Gia đình Việt Nam mong muốn góp tiếng nói vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử thời nhà Nguyễn nói riêng và của đất nước nói chung.

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-vat-vo-gia-trieu-nguyen-bai-9-bai-cuoi-kim-an-vi-vua-cuoi-cung-hoi-huong-d187209.html